Sáng 23/5, Quốc hội đã tiếp tục thảo luận trên hội trường về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ở phần cho ý kiến về dự án luật, các vị đại biểu Quốc hội vẫn tranh luận vô cùng gay gắt bởi quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.
Phát biểu tranh luận, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH có dấu ấn quá nặng của Bộ Y tế, thậm chí là "không công bằng" và ông cũng đặt câu hỏi "đó là văn hóa của cả nhân loại rồi, sao lại đưa lên đoạn đầu đài?"
Dẫn câu thơ của Bác Hồ “Trong tù không rượu cũng không hoa”, trên Thanh niên dẫn lời đại biểu Dương Trung Quốc bình luận chỉ khi bị tước đoạt tự do mới không được uống rượu.
"Bác cũng có rất nhiều bài thơ hay về rượu, nhận tin thắng trận cũng nâng vài ly uống mừng. Nó là văn hóa của cả nhân loại rồi. Tại sao ta lại đưa nó lên đoạn đầu đài thế này?", ông Quốc đặt vấn đề và cho rằng nếu cứ tiếp cận cách này, dự luật sẽ "vừa đi vào không thực tế, không khả thi, vừa đi ngược xu thế chung".
Tán thành với việc Luật Phòng chống tác hại của rượu bia phải ra ngay lúc này và cần nhận thức mặt trái của rượu bia, nhưng ĐB Dương Trung Quốc cho hay, điểm yếu nhất hiện nay là năng lực quản lý, kiểm soát, năng lực quản lý của Nhà nước, tự kiểm soát mình, chứ không phải việc siết chặt các quy định, tăng hình phạt.
“Câu hỏi lần trước tôi đã hỏi, Bộ trưởng Y tế chưa trả lời. Chúng ta xếp thứ 3 về mức sử dụng rượu bia ở khu vực châu Á, vậy thứ nhất, thứ 2 là ai? Họ có phải nước lạc hậu không? Liệu Bộ Y tế còn sản xuất rượu bổ không?
Các sản phẩm ấy có gắn hình ảnh Tai nạn giao thông vì rượu không, như cách chúng ta đối xử với thuốc lá, với ma túy?”, đại biểu tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi và cho rằng, nếu chúng ta thông qua luật thì việc đầu tiên là thôi xem bóng đá đi, vì Heineken là tài trợ cho bóng đá Ngoại hạng Anh.
Cũng phát biểu tranh luận ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc phòng, chống tác hại của rượu, bia trong điều kiện hiện nay mới nêu được vấn đề cơ bản, bao gồm kinh phí, đào tạo bồi dưỡng, xử lý vi phạm, còn chưa thể hiện được căn bản của vấn đề.
Theo ông Nhưỡng, căn bản của vấn đề chính là xây dựng văn hóa, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức xã hội, ý thức với bản thân, gia đình và cộng đồng.
"Nếu chúng ta làm được như thế thì mới xóa bỏ được thói quen và tập tục cũ lạc hậu.
Câu chuyện nhậu nhẹt, bắt ép nhau uống thế này, thế kia sẽ bị loại bỏ, thay vào đó là văn hóa mới", trên tờ Trí thức trẻ dẫn lời ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói và cho rằng nên đưa vào những quy tắc, quy chuẩn khi uống rượu, bia, thói quen thanh lịch trong uống rượu bia mà trên thế giới đang làm. Chúng ta phải có quy định rõ ràng, chứ không phải quy định tuyên truyền, giáo dục một cách chung chung.
Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng: “Có cảm giác các đại biểu coi ngành sản xuất rượu bia như tội đồ. Tôi không phải trong ngành nhưng tôi thấy có gì đó không công bằng”. Theo ông Xuyền ngành sản xuất này đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn con người, đóng góp hàng chục ngàn tỉ mỗi năm vào ngân sách, nên cần có nhìn nhận đúng đắn hơn.