Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về công tác điều hành giá điện, Chính phủ cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 đã được thực hiện theo đúng các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào các quy định của Luật Điện lực và một số nghị quyết của Quốc hội. Nếu tính đủ các khoản chênh lệch tỷ giá, giá điện đáng lẽ còn tăng cao hơn. Đồng thời Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện bậc thang cho phù hợp.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang. Ảnh: EVN
Phát biểu về việc tăng giá điện, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho biết đã đọc báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội, nhưng ông không đồng tình về cách tính giá điện theo thang 6 bậc hiện nay. Vị này chỉ ra thực tế tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng chỉ áp dụng 3 bậc giá. Tại Indonesia áp dụng 5 bậc.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QH
“Tại Việt Nam áp dụng 6 bậc là quá nhiều. Trong khi mức tiêu thụ 0-50 kWh/tháng là quá thấp”, trên tờ Tri thức trực tuyến dẫn lời ông Ngân nhận định và đề xuất chỉ nên áp dụng 3 bậc thang giá điện. Cụ thể, bậc 1 áp dụng từ 0 đến 100 kWh; bậc 2 áp dụng từ 101 đến 300 kWh và bậc 3 từ 301 kWh trở lên.
Theo ông Ngân, bậc 2 từ 101 đến 300 kWh là hợp lý. Nhu cầu sử dụng điện của người dân ngày càng tăng lên, do thu nhập được cải thiện, điều kiện sinh hoạt cũng hơn trước, do đó định mức thang bậc phải có sự thay đổi. Có như vậy việc tăng giá điện mới không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc Bộ Công Thương đưa ra kiến nghị có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội, là không hợp lý.
"Bất kỳ ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, nhất là khi Chính sách đưa ra tác động trực tiếp tới số đông người. Nếu cho rằng, người dân phản ánh vấn đề tác động tới là xuyên tạc và muốn truy cứu thì không hợp lý.
Việc tăng giá điện là vấn đề mà cử tri quan tâm, phản ánh nhiều nhất trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Vì thế, thay vì kiến nghị xử lý cá nhân xuyên tạc về giá điện, Bộ Công Thương phải lên tiếng giải trình rõ ràng, đầy đủ cho người dân hiểu. Điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại cho hợp lòng dân", trên Công lý dẫn lời ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn TP Hà Nội) nêu quan điểm.
ĐB Tuấn cũng cho rằng giá điện chia 6 bậc thang và định mức tính bậc 1 (0-50 kWh) khá thấp, không còn phù hợp với số đông và đời sống người dân đang tăng lên như hiện nay. Vì vậy, theo vị ĐB đoàn Hà Nội nên nới định mức bậc 1 lên gấp đôi, 100 kWh, để phản ánh đúng nhu cầu tiêu dùng điện của người dân. Chính phủ, Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, phân tích tác động đầy đủ hơn với từng đối tượng. Điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại cho phù hợp thực tế.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật, Phó đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, kiến nghị trên của Bộ Công Thương là "không hay, gây phản cảm". Theo ông Hoà, lộ trình, quy định tăng giá được Chính phủ cho phép nhưng khi thấy tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba thì người dân có quyền phản ánh.
Trước bức xúc của dư luận về tăng giá điện, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật cho rằng, Bộ Công Thương với trách nhiệm quản lý ngành cần xem xét lại và giải thích hợp lý để nhận sự đồng thuận từ dư luận.
"Tôi cho rằng kiến nghị như vậy là không đúng. Nếu yêu cầu xử lý phản ánh của người dân về giá điện thì chứng tỏ Bộ Công Thương không cầu thị", trên VnExpress dẫn lời ông Hoà nhấn mạnh.