Thông tin mới nhất trên Người lao động và Hà Nội mới cho hay mới đây, Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Theo đó, ngoài các quy định các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 của Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia gồm: Công viên; trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, nhà chờ xe buýt; rạp chiếu phim, nhà hát; sân vận động, nhà thi đấu thể thao.
Liên quan đến vấn đề quản lý quảng cáo rượu bia, bia có độ cồn dưới 5,5 độ, các trường hợp được quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18h đến 21h hằng ngày gồm: Quảng cáo rượu, bia của đơn vị tài trợ tại địa điểm tổ chức chương trình đại hội thể thao, giải thi đấu thể thao quy mô khu vực, châu lục hoặc thế giới tổ chức tại Việt Nam được phát sóng trực tiếp trên báo nói, báo hình.
Việc quảng cáo rượu bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời cần phải tuân thủ đúng quy định về: Kích thước biển quảng cáo đúng theo quy chuẩn quốc gia; bảo đảm khoảng cách tối thiểu là 500m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến khuôn viên của cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi, trừ trường hợp biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia.
Đối với trường hợp đã có quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời trong phạm vi trên trước ngày Nghị định có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện hoạt động quảng cáo đến khi hết hợp đồng quảng cáo trên.
Việc quảng cáo rượu, bia cần phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu bia nhằm đảm bảo các quy định: Cảnh báo đề phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm một trong các nội dung: Không được lái xe khi đã uống rượu, bia; người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia; không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi; rượu, bia có hại cho thai nhi; phụ nữ mang thai không uống rượu, bia; uống rượu, bia có thể gây xơ gan...