Mồ hôi máu (tên tiếng anh: Hematidrosis) hay chứng đổ mồ hôi máu là tình trạng rất hiếm gặp xảy ra ở người khi đang trong trạng thái tâm thần, cảm xúc và căng thẳng thể lý một cách cực độ, ví dụ như đang đối diện với cái chết, làm họ tiết ra mồ hôi máu.
Mới đây, một nam thanh niên 24 tuổi đã đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám và được chuẩn đoán mắc chứng mồ hôi máu. Thanh niên này không cảm thấy đau đớn hay có bất kì cảm giác nào khác. Theo giáo sư, tiến sĩ Trần Hậu Khang, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, đây là trường hợp hiếm gặp và được chữa khỏi đầu tiên ở Việt Nam, trở thành ca điển hình được ghi nhận vào y văn thế giới.
Triệu chứng của mồ hôi máu là mồ hôi có tiết ra lẫn máu, tùy lượng máu nhiều hay ít mà màu sắc mồ hôi có thể thay đổi từ đỏ tươi đến hồng nhạt, đặc biệt thường xuất hiện ở vùng trán, lưng, bụng,.. Đặc biệt hiện tượng này xuất hiện nhiều sau khi hoạt động nặng.
Áo bệnh nhân mặc, dép bệnh nhân đi đều bị nhuốm đỏ bởi mồ hôi. Đây là hiện tượng vô cùng hiếm gặp, thế giới đến nay chỉ ghi nhận khoảng gần 200 ca báo cáo trên y văn. Việt Nam trước bệnh nhân này chưa ghi nhận ca "mồ hôi máu" nào. Nam thanh niên này không mắc bệnh mãn tính nào, chỉ đi bộ nhiều, lao động nặng. Trước đó anh hay bị mất ngủ, lo âu,.. tất cả những món đồ có tiếp xúc với da bệnh nhân đều có màu đỏ nhạt. Sau 2 lần xét nghiệm, y bác sĩ xác định đây mà do màu đỏ trong mồ hôi.
Theo bác sĩ, hiện tượng này liên quan đến yếu tố căng thẳng thần kinh, lo âu, sợ hãi, bị stress nặng, kéo dài. Các mao mạch ở da, xung quanh tuyến mồ hôi bị co thắt. Tình trạng này quá nặng hoặc kéo dài, các mao mạch sẽ bị vỡ, đứt, máu tiết vào hoặc thẩm thấu qua ống tuyến mồ hôi, làm cho mồ hôi có màu đỏ.
Bệnh nhân 24 tuổi sau đó được điều trị bằng thuốc an thần, tư vấn sức khỏe tinh thần và triệu chứng mồ hôi máu bắt đầu giảm, đến tháng thứ 3 thì hết hẳn. Tuy nhiên đôi khi bệnh tình tái phát. Liên tục theo dõi 3 tháng 1 lần, đến tháng 12/2020, bệnh nhân đã không còn dấu hiệu bệnh, khỏi hoàn toàn.