Với VFF, bán độ dường như trở thành nguyên nhân tất yếu mỗi khi ĐT Việt Nam thua trận. Hay nó chỉ là tấm bình phong được VFF đưa ra để tránh trách nhiệm?
Sau thất bại bất ngờ trước Malaysia ở bán kết lượt về AF Suzuki Cup 2014, ĐT Việt Nam bị VFF đặt ra nghi vấn bán độ. Thậm chí mới đây, trả lời báo Thanh Niên, ông Dũng cho biết: “VFF sẽ làm tới nơi tới chốn trận đấu này. Hàng thủ đã phạm quá nhiều sai lầm, trong đó có những sai lầm sơ đẳng buộc đội tuyển VN phải dừng cuộc chơi mà đáng lẽ ra, họ có thể gặt hái được kết quả tốt hơn”.
Thông tin từ VFF cho biết trong ngày 12/12, Cục cảnh sát hình sự, Bộ Công an - C.45 đã yêu cầu VFF cung cấp số chứng minh nhân dân và số tài khoản của tất cả hậu vệ tuyển Việt Nam.
Hàng thủ Việt Nam thi đấu như mơ ngủ trong trận thua Malaysia.
Thắng tung hô
Sau chiến thắng lượt đi (7/12) với tỉ số 2 – 1 trước Malaysai ngay trên sân Shah Alam. ĐT Việt Nam được báo chí trong nước tung hô, thậm chí HLV Miura còn được truyền thông ví là Mourinho phiên bản châu Á.
Không thể phủ nhận ở trận đấu lượt đi, Việt Nam đã có cú ngược dòng quả cảm trước một Malaysia đầy sức mạnh, cùng sự cổ vũ của gần 80.000 cổ động viên trên sân Shah Alam. Ở trận lượt đi, hàng công đã chơi rất xuất sắc. Minh chứng là hai bàn thắng được ghi do công của Huy Toàn và Văn Quyết. Hàng thủ cũng không chịu kém khi Nguyên Mạnh, Ngọc Hải, Phước Tứ, Tiến Thành, Văn Biển tạo thành bức tường vững chắc trước cầu ngôn.
Sau trận, ban lãnh đạo VFF đã quyết định thưởng 2 tỉ cho các tuyển thủ vì màn trình diễn ấn tượng tại Shah Alam. Nghĩ rằng số phận Malaysia đã được định đoạt và Việt Nam sẽ gặp Thái Lan ở trận chung kết, VFF đã đặt trước 36 vé máy bay cho đội tuyển Việt Nam sang Bangkok đá chung kết.
Thua bán độ
Thế nhưng, một kịch bản không ngờ đã xảy ra tại Mỹ Đình ở trận lượt đi và Việt Nam thúc thủ trước Malaysia với tỉ số 2 – 4. Thất bại này đồng nghĩa với việc nhường vé cho Malaysia vào chơi trận chung kết.
Chủ tịch VFF - ông Lê Hùng Dũng cho biết: Nếu điểm lại 45 phút thảm họa của tuyển Việt Nam, có thể thấy cả 4 bàn thua đều không có sự can thiệp của trung vệ Phước Tứ khi cầu thủ người Quảng Nam đều chọn sai vị trí đánh chặn hoặc kèm người. Trong khi đó, Văn Biển lại quá chậm chạp trong những tình huống đòi hỏi phải phá bóng thật dứt khoát. Ngay sau trận đấu, nghi vấn cầu thủ bán độ được VFF đặt ra.
Các cầu thủ nói gì?
Trả lời báo Tuổi trẻ, Trung vệ Lê Phước Tứ: Tôi không biết nói gì và cũng không hiểu chuyện gì xảy ra. Tất cả là lỗi cá nhân, chứ tâm lý anh em thì tôi không rõ lắm. Có cảm giác như các anh em trẻ bị căng cứng quá, dẫn đến chơi không tốt như trận lượt đi. Dư luận nghi ngờ tiêu cực thì đó là quyền của người ta.
Hậu vệ trái Nguyễn Văn Biển: Bàn thua thứ hai là lỗi của tôi và thủ môn Nguyên Mạnh do phán đoán và không có sự phối hợp tốt với nhau. Lỗi của tôi là lớn nhất ... Ngay phút thứ 3 thua rồi thì có thể tâm lý cầu thủ trẻ bị ngợp, và khi dâng lên gỡ hòa thì lại thua nữa. Không thể cứ thua là cho rằng có tiêu cực và đòi cơ quan điều tra vào cuộc.
Trung vệ Đinh Tiến Thành: Trách thì trách cả đội thi đấu tệ chứ trách hàng thủ cũng quá đáng. Cả đội chơi chuệch choạc, nhất là cặp tiền vệ trụ khi họ không cầm được bóng và không tự tin như mấy trận trước. Bàn đá phản lưới nhà của tôi thì bất khả kháng vì đối phương đá bóng thẳng vào hông tôi. Tôi đang chạy về với tốc độ nhanh thì không thể dừng, cũng không thể giữ lại được. Chúng tôi thể hiện bộ mặt khác hẳn ở lượt đi vì đội tuyển VN là đội bóng trẻ nên phong độ cũng không được ổn định. Trong bóng đá thì không tránh khỏi sai sót nên trong trận đấu lớn như thế này mà mắc sai sót thì cũng đáng trách thật. Dư luận nghi ngờ chúng tôi tiêu cực thì bạc bẽo quá. Bản thân tôi sẵn sàng làm việc với cơ quan điều tra nếu có nghi ngờ.
Thủ môn Trần Nguyên Mạnh: … Cá nhân tôi chơi cũng tệ và cảm thấy có lỗi với người hâm mộ, đến 3 giờ sáng tôi mới ngủ được. Tôi nghĩ tiêu cực không có đâu bởi chúng tôi đá vì người hâm mộ.
Hậu vệ phải Quế Ngọc Hải: Tôi khẳng định mình không dính đến tiêu cực và tôi cũng tin tưởng đồng đội của mình bởi đội bóng đang rất khát khao vào trận chung kết… Chúng tôi bán độ làm gì? Chúng tôi thắng cũng được tiền mà, bao nhiêu tỷ chứ có ít đâu thì bán để làm gì. Tôi không sợ cơ quan công an sẽ điều tra vì chúng tôi đã cống hiến đến tận những giọt mồ hôi cuối cùng…Tôi khóc vì người hâm mộ, vì HLV Miura và vì những đàn anh sắp chia tay đội tuyển đã không có được trận chung kết như mong muốn.
Văn hóa đổ lỗi
Sau mỗi thất bại của đội tuyển, thay vì ngồi lại mổ xẻ rút kinh nghiệm, thì nhiều năm nay bóng đá Việt Nam đổ cho việc bán độ là nguyên nhân thất bại. Việc người ta đặt ra nghi vấn đã không còn là chuyện bất ngờ mà coi đó như chuyện đương nhiên.
Sau mỗi thất bại, không một ai dám tin vào việc ĐT Việt Nam thua là do năng lực, do thiếu may mắn, hoặc do sai lầm cá nhân. Chúng ta vẫn cứ ngây ngất với chiến thắng và cho rằng ta “đẳng cấp” hơn họ. Nhưng chúng ta lại quên mất rằng trong những năm gần đây phong độ của ĐT Việt Nam luôn không ổn định. Trong khi bóng đá các nước trong khu vực thì ngày càng phát triển.
Việc coi bán độ như một nguyên nhân mặc định đó là do hậu quả của quá nhiều bê bối từ trong quá khứ, bắt đầu từ vụ bán độ nổi tiếng tại Bacolod ở SEA Games 23. Rồi bóng đá trong nước chỉ trong một năm xảy ra nhiều vụ bán độ như trường hợp của V.Ninh Bình hay Đồng Nai.
Hay như tại AFF Cup 2012, khi ĐT Việt Nam bị loại ngay sau vòng bảng dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng thì dư luận cũng rộ lên tin đồn các cầu thủ “bán độ.”
Mới đây nhất là tại SEA Games 27, thầy trò HLV Hoàng Văn Phúc bị loại sớm ngay vòng bảng khi thi đấu quá tệ. Khi đó, nghi án bán độ lại rộ lên.
Dường như sau mỗi thất bại, VFF chỉ nhìn thấy tiêu cực hay cố tình cho dư luận nghĩ rằng có tiêu cực để tránh trách nhiệm? Để người hâm mộ bị cuốn vào vòng xoáy dư luận mà quên đi trách nhiệm của VFF?
Không biết ông Dũng và VFF có thấy những giọt nước mắt của những cầu thủ đã rơi trên sân Mỹ Đình trước sự chứng kiến của 4 vạn người? thấy Công Vinh, Thành Lương và các đồng đội nỗ lực chạy trên sân đến vắt kiệt cả mồ hôi hay không mà vội vàng nghi vấn cầu thủ bán độ.
Như Quế Ngọc Hải nói: “Chúng tôi bán độ làm gì? Chúng tôi thắng cũng được tiền mà, bao nhiêu tỷ chứ có ít đâu thì bán để làm gì.” Điều này có thể được khẳng định bằng ví dụ của Công Vinh. Ai cũng nói nếu Văn Quyến không bán độ có lẽ đã không có Công Vinh hiện tại. Điều này không hẳn là đúng nhưng có lẽ cũng chẳng sai. Công Vinh là cầu thủ có tài, anh trong sạch và cống hiến hết mình cho bóng đá, bóng đá cũng mang lại cho anh một cuộc sống sung túc và vinh quanh. Sau những cái giá mà Văn Quyến, Quốc Vượng hay mới đây là những cầu thủ Ninh Bình, Đồng Nai phải nhận khi bán độ có lẽ đã là bài học quá đủ để các cầu thủ. Tuy nhiên, cầu thủ có bán độ hay không thì câu trả lời cuối cùng vẫn phải ở cơ quan chức năng.
Người hâm mộ đã nhận được lời xin lỗi từ HLV Miura, từ các cầu thủ… nhưng rất hiếm khi thấy một lãnh đạo nào của VFF đứng ra xin lỗi chứ đừng nói là nhận lỗi trước người hâm mộ.
Thiết nghĩ, thay vì vội vàng nghi ngờ cầu thủ, VFF nên ngồi lại mổ xẻ rút kinh nghiệm và nhận trách nhiệm để bóng đá Việt Nam thực sự có thay đổi từ bộ máy đầu não chứ đừng đóng vai một tiền vệ trung tâm giỏi chuyền “quả bóng trách nhiệm”.
T.Phong