Theo kịch bản xấu nhất, bão số 9 sẽ dịch chuyển đến các khu vực từ Bình Thuận đến Bà Rịa – Vũng Tàu và gây gió mạnh cấp 6-7, nhưng khả năng bão dịch chuyển sang hướng Nam vẫn có thể xảy ra.
Theo các chuyên gia, khi đi vào Biển Đông, trên điều kiện nền nhiệt nước biển ở khu vực Biển Đông đang cao (trên 27 độ C), cùng lúc ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh di chuyển từ phía Bắc xuống, tương tác của Không khí lạnh và bão sẽ ảnh hưởng tới sự dịch chuyển cũng như cường độ của cơn bão số 9.
Đánh giá về bão số 9, các chuyên gia khí tượng đưa ra hai kịch bản:
Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất (70%): Bão vào Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa ra các nhận định chung về diễn biến của cơn bão và những thông tin mới nhất. Cụ thể, khi bão số 9 vẫn còn ở phía Tây quần đảo Trường Sa thì tính tương tác mạnh hơn, tuy nhiên khi vào đất liền khả năng tương tác với không khí lạnh yếu đi và đẩy trôi xuống phía Nam, theo báo Tin Tức.
Dự báo đường đi của bão số 9 có khả năng dịch chuyển xuống phía Nam |
Từ chiều 23/11, vùng biển từ Khánh Hòa, Bình Định đến khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu gió mạnh cấp 6-7, sáng 24/11 sẽ lên cấp 8, vùng tâm bão lên đến cấp 9-10.
Trên đất liền khu vực các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, sáng 24/11 sẽ có gió mạnh cấp 6 và tăng dần lên khi bão dịch chuyển vào đất liền, vùng tâm bão có thể giật cấp 11.
So với cơn bão số 8 cường độ không mạnh chỉ lên tới cấp 8, còn cơn bão số 9 cường độ có thể lên tới cấp 9-10. Hơn nữa, vùng ảnh hưởng trên biển và đất liền của hai cơn bão hoàn toàn khác nhau.
Bão và không khí lạnh sẽ tương tác gây mưa to cho suốt dọc từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận, các tỉnh Đăk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng và phần phía Bắc của Đông Nam Bộ. Mưa lớn nhiều khả năng sẽ liên tục từ ngày 23 đến 28/11, trong đó trọng tâm mưa lớn sẽ là các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Bình Thuận với tổng lượng mưa 300-400 mm.
Kịch bản thứ 2 (với khả năng khoảng 20-30%): Bão sẽ đổi hướng dịch về phía Nam và suy yếu dần.
Khi đó, trọng điểm đổ bộ của bão sẽ là từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Bến Tre.
Tuy nhiên, cả hai kịch bản bão vào Nam Trung Bộ hay lệch về phía Nam và suy yếu thì đều gây ra đợt mưa to ở các tỉnh Trung, Nam Trung Bộ cũng như Nam Tây Nguyên với tổng lượng mưa từ ngày 23 đến 26/11 khoảng 300-400 mm, có nơi trên 500 mm. Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ mưa 100-200 mm/đợt.
Trên các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên, sẽ xuất hiện một đợt lũ với mức báo động 3 – mức nguy hiểm nhất. Đảo Phú Quý là nơi sẽ ảnh hưởng trực tiếp của bão, vì thế từ hôm nay đảo Phú Quý có thể có gió bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão Usagi lúc 9h ngày 23/11. (Ảnh: NHCMF). |
Để đối phó cơn bão, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. HCM sẽ thực hiện lệnh cấm biển từ 13h hôm nay cho đến khi có lệnh mới.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai đang lên cao, đỉnh triều sẽ vượt báo động 3 vào ngày 24- 25/11. Do ảnh hưởng của mưa bão kết hợp triều cường, Nam Bộ trong đó có TP. HCM có thể bị ngập nghiêm trọng tại các khu vực thấp.
Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, nhận định về khả năng xuất hiện lũ trong cơn bão số 9, trong khoảng từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ với lượng mưa từ 200-300 mm/đợt.
Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức báo động 1- báo động 2 và trên báo động 2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức báo động 2- báo động 3 và trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Mưa lớn kết hợp với triều cường sẽ dẫn đến tình hình ngập lụt lớn ở hạ lưu vùng sông Cửu Long.
Trang Vũ (tổng hợp)