Để có thông tin nhiều chiều về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Lương y Phùng Tuấn Giang - người phụ trách phòng khám Đông y Thọ Xuân Đường
Mặc dù chưa có cơ sở khoa học để giải thích việc bị ung thư nên kiêng đi đám ma nhưng trong kinh nghiệm dân gian đã tồn tại quan niệm đó.
Bị ung thư nên kiêng đám ma vì... "vía lạnh"?
Giải mã vì sao người bị ung thư nên kiêng đi đám ma? - Ảnh 1Lương y Phùng Tuấn Giang đang bắt mạch cho người nước ngoài.Thời gian gần đây, sau câu chuyện của lương y Phùng Tuấn Giang (chủ cơ sở y tế Thọ Xuân Đường, Thanh Xuân, Hà Nội) về phương pháp điều trị ung thư, 1 số người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân đã chia sẻ tin tức về cách chữa ung thư được họ “lĩnh hội” từ vị lương y này.
Theo đó, có một “lời dặn” đáng được lưu tâm mà người bị bệnh ung thư vẫn rỉ tai nhau sau khi tới đây. Đó là, bệnh nhân phải kiêng bị kích thích, stress và… đi đám ma. Chia sẻ về phương pháp mới nghe qua có vẻ rất “dị” này, lương y Đỗ Thị Ngọ (Hòa Bình), người được tôn vinh là “Lương y tiêu biểu vì sức khỏe cộng đồng” năm 2014, nhấn mạnh việc bị bệnh ung thư phải kiêng đi đám tang là đúng.
Bởi lẽ, với những người bị bệnh ung thư nói riêng, người ốm nói chung, sức đề kháng của họ yếu, khi tới chỗ lạnh dễ khiến cơ thể mệt thêm và sinh bệnh. “Đặc biệt với người mắc bệnh ung thư, trong cơ thể họ có những tế bào lạ tạo thành ung thư nên kháng thể yếu, không chống cự được cái “lạnh” ở đám tang, sẽ bị ốm lâu và bệnh nặng hơn khi tiếp xúc với nơi đó. Có người mới ốm dậy mà đi bốc mộ sau đó càng ốm lâu vì khi đó sức đề kháng yếu, họ không chịu được vía lạnh”, lương y Ngọ kể lại câu chuyện mình đã từng gặp trong thực tế.
Giải mã vì sao người bị ung thư nên kiêng đi đám ma? - Ảnh 2Lương y Phạm Thị Hồng.Có cùng quan điểm với lương y Ngọ, lương y Phạm Thị Hồng – vị lương y mà tên tuổi của bà gắn liền với “kỳ án hiếp dâm ở Hà Đông” hay còn gọi “kỳ án huyệt trai trinh” cũng cho rằng, những người mắc bệnh ung thư nên kiêng đi tới đám tang.
“Người bị bệnh ung thư nên kiêng đi đám tang vì họ rất nhạy cảm với những nơi đó. Đám tang “lạnh” mà sức khỏe họ kém. Thêm vào đó ở đám tang “dương khí” kém, phần “âm khí” lại nhiều nên sức khỏe người bệnh sẽ đau đớn hơn dẫn tới bệnh tiến triển nhanh.
Mỗi người sẽ có mỗi cách hiểu về ý kiến “bệnh ung thư nên kiêng đám ma”. Kinh nghiệm của tôi chỉ ra là như thế, còn trong Đông y chưa thống nhất được quan điểm” – lương y Hồng cho hay.
Theo như Lương y Phùng Tuấn Giang: “Tôi hành nghề khám chữa bệnh Đông y được khoảng 20 năm. Bản thân tôi đã được Sở Y tế Hà Nội cấp Giấy phép hành nghề Lương y đa khoa, nghĩa là được phép khám, chữa nhiều loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, xương khớp… Đối với các bệnh nhân ung thư, tôi khám, kê đơn thuốc cho họ nhằm mục đích nâng cao thể trạng, kéo dài thời gian sống.
Bệnh nhân bị ung thư đến khám ở Thọ Xuân Đường mắc nhiều loại ung thư khác nhau và ở các giai đoạn bệnh khác nhau. Tôi chỉ sử dụng những kiến thức về nam y, nam dược để hỗ trợ điều trị ung thư chứ chưa bao giờ khẳng định bản thân đã chữa khỏi bệnh ung thư”.
Bệnh nhân khi có bệnh thường rất hoang mang, luôn kỳ vọng vào những phương pháp chữa trị mới. Để tránh hiểu lầm, ngay khi tiếp xúc với bệnh nhân, tôi luôn khẳng định “mọi biện pháp chỉ mang tính hỗ trợ, duy trì”, đồng thời phân tích để họ hiểu rõ bệnh mình đang mắc, có chế độ ăn uống phù hợp để thay đổi khả năng miễn dịch, đào thải của cơ thể. Từ đó, mỗi bệnh nhân có nhìn nhận toàn diện về căn bệnh, điều chỉnh việc ăn uống, tập luyện và có ý chí chiến thắng bệnh tật…
Chưa có cơ sở khoa học về việc bị ung thư nên kiêng đám ma
Còn vị bác sỹ hiện đang công tác tại khoa Nội Trung tâm Y tế lao động (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thì khẳng định việc kiêng đi đám tang đối với bệnh nhân ung thư là chưa có cơ sở khoa học. Các chương trình học mà ông được “lĩnh hội” từ các giáo sư, bác sỹ đầu ngành trong lĩnh vực Y tế cũng chưa khi nào thấy đề cập tới điều này.
Tuy nhiên, vị bác sỹ này cũng thấy lạ khi nhìn nhận ở góc độ tâm linh và kinh nghiệm dân gian thì điều ấy là có. “Tôi đã từng gặp trường hợp phụ nữ có thai khoảng 8 tháng đi đám ma về và phải đi sinh non. Hoặc có người đang bình thường, từ trước tới nay cơ thể không phát hiện ra bệnh tật gì. Sau khi đi đám ma về thấy hạch nổi lên rất nhanh. Khi đó mới phát hiện ra mình bị bệnh. Bản thân tôi cũng chưa gặp được ai để giải thích được điều này. Theo tôi quan điểm, đó là kinh nghiệm dân gian đúc rút ra. Không mất tiền bạc, không vất vả gì thì cứ kiêng cho chắc”, vị bác sỹ này chia sẻ.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, Lương y Phó Hữu Đức (Chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy, Hà Nội), người đã có rất nhiều năm kinh nghiệm với lĩnh vực Đông y lại hoàn toàn xa lạ với điều kiêng kị này. “Đó có lẽ chỉ là kinh nghiệm dân gian còn chính thống thì không có. Bản thân tôi chưa bao giờ gặp trường hợp nào như thế trong Y học. Vía lạnh không có ảnh hưởng gì. Còn nói về cách chữa bệnh ung thư, trước tiên phải xác định được đó là loại bệnh gì thì mới có phương pháp điều trị phù hợp”, lương y Đức cho hay.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Nhị Hà, Trưởng phòng
Quản lý hành nghề y tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) khẳng định, cơ sở Thọ Xuân Đường của Lương y Phùng Tuấn Giang đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động vào ngày 15/8/2012.
Cụ thể, bà Hà nói: “Cơ sở này đã được Sở Y tế tổ chức thẩm định và cấp phép theo quy định của Thông tư 41 của Bộ Y tế. Phạm vi hoạt động chuyên môn là xem mạch, kê đơn bốc thuốc, bấm huyệt. Chỉ có phương pháp hỗ trợ điều trị ung thư, nâng cao thể trạng, giải độc để hạn chế tác dụng của xạ và hóa trị liệu, chưa có bài thuốc nào là điều trị ung thư”.
Hàn Phong
Giải mã vì sao người bị ung thư nên kiêng đi đám ma?
Chủ nhật, 24/05/2015, 10:48 (GMT+7)