Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, tính đến 15h00 ngày 5/2/2020, thế giới đã ghi nhận 24.580 trường hợp mắc bệnh dịch nCoV, trong đó có 493 trường hợp tử vong (Trung Quốc: 491; Philippines:1; Hong Kong:1). Bệnh đã xâm nhập sang 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ngoài Trung Quốc.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận 10 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó 2 cha con người Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 5 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc (1 người đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Việt Nam là lễ tân (đã khỏi và xuất viện); 1 công dân Mỹ đến Việt Nam; 1 người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó.
Tại Hà Nội, chưa ghi nhận trường hợp dương tính với nCoV. Hiện Hà Nội đang tiến hành giám sát tại bệnh viện 37 trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút nCov (7 trường hợp đến từ Vũ Hán, 26 trường hợp đến từ các vùng khác của Trung Quốc, 4 trường hợp công tác tại sân bay Nội Bài), trong đó 31 trường hợp đã xét nghiệm âm tính với nCoV.
Số trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm và tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chẽ là 6 người (5 trường hợp ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 1 trường hợp ở Bệnh viện Đống Đa). Tổng số trường hợp tiếp xúc gần cần được giám sát: 149, trong đó số đã kết thúc giám sát là 126, số đang tiếp tục giám sát là 23.
Sở Y tế Hà Nội nhận định, hiện nay dịch bệnh đã xâm nhập và có ca lây thứ phát tại nước ta. Vì vậy nguy cơ dịch lây lan bùng phát tại cộng đồng là rất lớn nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo nhận định của một số chuyên gia, dịch bệnh có thể đạt đỉnh trong vòng từ 7 đến 10 ngày tới. Tuy nhiên cũng có chuyên gia cho rằng, dịch bệnh có thể kéo dài hơn và thời gian đỉnh dịch có thể vào khoảng 1 tháng tới. Dù vậy, với số mắc có thể cao do tốc độ lây lan nhanh, song tỷ lệ tử vong do dịch bệnh này chỉ vào khoảng 2% và thường gặp ở những trường hợp người có bệnh lý khác kèm theo.
Trong các ngày vừa qua, Sở Y tế đã giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh qua Cảng hàng không Sân bay quốc tế Nội Bài. UBND các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo quyết liệt việc vệ sinh môi trường khử khuẩn tại các cơ quan công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học, các khu chung cư trên địa bàn.
Sở Y tế đã tập huấn trực tuyến cho tất cả Trạm Y tế, Trung tâm y tế, các bệnh viện trong và ngoài công lập về công tác giám sát, điều trị cách ly người bệnh tại các cơ sở điều trị…Các bệnh viện đa khoa TP đã thành lập 40 tổ cấp cứu phản ứng nhanh sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới.
Quyết liệt triển khai các biện pháp, không để dịch bệnh lây lan
Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Trần Thị Vân Anh cho biết: Trong tuần này tất cả các hoạt động văn hóa thể thao do Sở quản lý đều đã tạm dừng theo chỉ đạo chung của TP. Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng dịch tại các điểm di tích. Đồng thời đề nghị huyện Mỹ Đức phối hợp chặt chẽ với Sở để thực hiện nghiêm các công tác phòng chống dịch tại lễ hội Chùa Hương.
Đại diện sở Công Thương cho biết, hiện nay có 4 DN đang tăng ca sản xuất để sản xuất từ 20.000 đến 70.000 chiếc khẩu trang/ngày; trung bình khoảng 200.000 khẩu trang/ngày với giá 30.000 đ/ 1 hộp với 30 chiếc, đảm bảo không tăng giá. Tập đoàn dệt may Vinatex đăng ký khẩu trang kháng khuẩn có thể sử dụng 10 lần giá 7.000đồng/chiếc.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Nguyễn Nhật Cảm cho biết: Về giám sát chặt chẽ tình hình những người đi từ vùng dịch về, công an các cấp cần có danh sách đầy đủ và y tế phải nắm chắc danh sách này; nếu không liên lạc được với các đối tượng nghi nhiễm thì phải đến trực tiếp, có biểu hiện bệnh phải cách ly ngay. Các xã, phường huy động lực lượng chính quyền địa phương để trực tiếp phát tờ rơi khuyến cáo phòng chống dịch nCoV đến từng hộ gia đình. Hệ thống giám sát dịch tễ phải thường trực 24/24h đã kịp thời phát hiện những trường hợp nghi nhiễm bệnh, nhằm hạn chế sự lây lan.
Phó Giám đốc Công an TP Đoàn Ngọc Hùng cho biết: Công an đã khẩn trương xây dựng kế hoạch đến các quận huyện; chủ động kiện toàn ban chỉ đạo chống dịch. Hiện nay có 7 người Trung Quốc nhập cảnh chưa qua 14 ngày, hiện đang được cách ly ở nơi cư trú. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Công an TP đã chỉ đạo các lực lượng triển khai để phát hiện xử lý các đối tượng tung tin thất thiệt về dịch bệnh. Qua đó lập hồ sơ xử lý 2 trường hợp tung tin thất thiệt tại Thạch Thất và Chương Mỹ. Bên cạnh đó, công an quận Thanh Xuân đã phát hiện 47 thùng khẩu trang định xuất sang Trung Quốc; chuẩn bị khu cách ly ở Hà Đông để sẵn sàng khi TP giao nhiệm vụ.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị Sở Y tế hướng dẫn người dân sử dụng các loại khẩu trang khác, không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế. Về việc cách ly người nhập cư, TP thống nhất với đề xuất của Công an TP tổ chức khu cách ly tại cơ sở công an ở Hà Đông đối với những người đã quá cảnh tại Hồ Bắc (Trung Quốc) trong vòng 14 ngày. Về xây dựng bệnh viện dã chiến, Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô lên phương án cụ thể với quy mô ở mức độ 4 (nếu trên 1.000 người của TP mắc bệnh).
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là quyết liệt triển khai các biện pháp không để dịch bệnh nCoV lây lan, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe của người dân. Tập trung mọi nguồn lực để TP không để xảy ra việc lây nhiễm chéo dịch nCoV; đồng thời chuẩn bị các phương án nếu tình huống xấu nhất xảy ra.
Ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành để đến hiện nay, trên địa bàn TP chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm chéo, song, Chủ tịch UBND TP nhận định trên địa bàn TP vẫn có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao xảy ra, vì người Trung Quốc lưu trú trên địa bàn TP vẫn còn đông. Vì thế, Chủ tịch UBND TP đề nghị các cấp cơ sở phải tuyên truyền vận động để những đối tượng thuộc diện cách ly tự giác cách ly; kịp thời phát hiện các đối tượng để đưa vào tầm kiểm soát. Đồng thời tuyên truyền để tất cả người dân tự triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch; thường xuyên vệ sinh môi trường…
“Tất cả các phường xã, quận huyện cơ quan, nhà ga, bến tàu trường học phải được khử trùng. Khẩu trang không phải là biện pháp tốt nhất mà chính là biện pháp khử trùng tiêu độc và cách ly.” – Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị, tăng cường thanh kiểm tra và cấm hoạt động các cơ sở buôn bán động vật hoang dã.
Sở Công thương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ tích trữ khẩu trang và nước rửa tay nhằm trục lợi. Sở Công thương phải tìm kiếm ngay nguồn cung từ các thị trường khác, để đảm bảo sản xuất đủ theo yêu cầu. Sở Tài Chính, Sở y tế khẩn trương đề xuất mua trang thiết bị cho các đội cơ động chống dịch, các bệnh viện, trạm y tế xã phường.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu các trạm y tế của các phường xã, đủ tiêu chuẩn cho 3.500 trường hợp cách ly về vật tư, trang thiết bị y tế, kể cả máy thở. Về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến, TP thống nhất giao cho bộ đội chủ trì, chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở vật chất ngay từ bây giờ.