Trao đổi trên báo Thanh Niên, lãnh đạo Trung tâm y tế (TTYT) huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã thông tin về 3 trường hợp bệnh nhi tử vong do nhiễm khuẩn whitmore. Theo đó, 3 bệnh nhi đều là chị em ruột, con của gia đình anh T.V.C (32 tuổi, ngụ tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn).
Bé đầu tiên mắc bệnh là T.Q.T (7 tuổi, con gái đầu, đang học lớp 1). Ngày 6/4, bé bị sốt, ngày 8/4, gia đình đưa bé đến Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn điều trị. Bé tử vong vào ngày 9/4 và được chẩn đoán do nhiễm khuẩn hoại tử đường ruột (khuẩn whitmore).
Bé thứ hai là T.V.C (5 tuổi, con thứ 2 của gia đình anh C.) bị sốt cao 38,5 °C, kèm đau bụng. Ngày hôm sau, gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi T.Ư thăm khám và điều trị. Tới 31/10, bé tử vong với chuẩn đoán nhiễm khuẩn whitmore.
Bé thứ 3 là T.Q.H. (18 tháng). Ngày 10/11, bé H. có biểu hiện sốt. Ngày 17/11, bé H. tử vong. Cũng theo báo của của Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, cả ba bé đều khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh tật.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi trên Zing, sáng 18/11, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Sau khi phát hiện 2 trường hợp cùng trong một gia đình tử vong vì bệnh whitmore, chúng tôi đã báo cho cơ quan dịch tễ Hà Nội để tìm hiểu, điều tra". Đồng thời, ông Điển cũng khuyến cáo bệnh Whitmore không lây lan thành dịch mà khu trú trong một môi trường cố định, vi khuẩn sống trong bùn, đất, nước. Người dân cần chú ý vệ sinh, ăn chín uống sôi.
Theo Infonet, nhiễm vi khuẩn Whitmore được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1936.
Nhiễm vi khuẩn Whitmore có những dấu hiệu sau: Sốt cao; mắc bệnh viêm phổi; xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí; mặc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn Whitmore thâm nhập vào cơ thể qua vùng da bị trầy xước tiếp xúc trực tiếp với nước hay đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải bụi đất, bùn, nước có chứa loại vi khuẩn này gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân. Thể cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài ngày.