Theo tin tức từ Lao động và Tiền phong, các chỉ số chất lượng không khí của cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí của UBND thành phố Hà Nội ghi nhận tại 11 điểm của Hà Nội, có nhiều điểm ở ngưỡng đỏ - chất lượng không khí ở mức xấu.
Vào sáng 22/1, tình trạng ô nhiễm không khí tiếp tục tiếp diễn với tất cả các điểm đo đều lên ngưỡng đỏ. Bụi mịn PM2.5 kết hợp với sương mù vào sáng sớm khiến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chìm trong mù mịt, tầm nhìn hạn chế.
Cụ thể, số liệu được cập nhật đến 8h ngày 22.1 (tức 28 Tết) như sau: Điểm đo Hoàn Kiếm: 128; Điểm đo Thành Công: 139; Điểm đo Tân Mai: 100; Điểm đo Kim Liên: 111; Điểm đo Phạm Văn Đồng: 145; Điểm đo Tây Mỗ: 112; Điểm đo Mỹ Đình: 119; Điểm đo Hàng Đậu: 152; Điểm đo Chi cục bảo vệ môi trường: 158; Điểm đo Minh Khai – Bắc Từ Liêm: 156; Điểm đo Đại sứ quán Pháp: 119.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bởi nhiều nhóm nguyên nhân như giao thông, xây dựng, công nghiệp và hoạt động dân sinh như đốt than tổ ong, đốt rơm rạ. Tuy nhiên, đến nay thành phố chưa thực hiện kiểm kê khí thải để xác định chính xác vai trò của từng nguồn ô nhiễm.
Dù vậy có nhiều ý kiến cho rằng, giao thông là nguồn chính gây ô nhiễm. Thành phố Hà Nội có khoảng 5,7 triệu xe máy và 0,7 triệu ô tô. Những ngày cận Tết lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến có thể làm nghiêm trọng hơn tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Nhiều khả năng vào chiều 30 Tết, khi một đợt Không khí lạnh mạnh tràn xuống nước ta gây mưa rào sẽ giúp chất lượng không khí được cải thiện.