Tin mới

Bộ TN-MT chính thức công bố 6 nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí

Thứ bảy, 21/12/2019, 09:27 (GMT+7)

Sau cuộc họp khẩn với đại diện các bộ ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố 6 nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi trong môi trường không khí ở Hà Nội và TP HCM.

Theo tin tức từ Dân Trí, Tri thức trực tuyến, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa chính thức công bố 6 nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM. Các nguyên nhân này được chỉ ra sau cuộc họp của cơ quan này với đại diện nhiều bộ, ngành, cùng UBND Hà Nội và TP.HCM, trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng tại 2 thành phố.

Thông báo về nội dung cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cuộc họp đã thống nhất 6 nguyên nhân chính gây phát sinh ô nhiễm bụi trong môi trường không khí.

Ô nhiễm không khí ở các đô thị gây lo lắng cho người dân. Ảnh internet

Thứ nhất, khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông (hiện tại thành phố Hà Nội có hơn 770 nghìn xe ô tô và gần 5,8 triệu xe máy; TPHCM 700 nghìn ô tô là 7,5 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua), trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Thứ hai, phát sinh từ hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường (theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng hơn 1.000 công trình xây dựng, con số này lớn hơn tại TPHCM).

Thứ ba, phát sinh từ hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác trong đó có cả chất thải nguy hại không đúng quy định tại một số địa phương.

Thứ tư, khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch (nhiệt điện, xi măng..). Riêng tại TPHCM có hơn 900 cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh phát sinh bụi, khí thải.

Thứ năm, phát sinh từ việc sử dụng số lượng lớn bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt hàng ngày cũng như để kinh doanh (chỉ tính riêng thành phố Hà Nội, hiện nay có khoảng 60 nghìn bếp than tổ ong được sử dụng mỗi ngày).

Thứ sáu, ô nhiễm môi trường không khí còn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt. Đây là xu hướng chung của các nước trong khu vực (Thái Lan, Iran, Hàn Quốc…) cũng đã xuất hiện các đợt ô nhiễm không khí trong thời gian qua.

Điều đáng nói là trong 6 nguyên nhân này, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà bác bỏ thông tin ô nhiễm không khí tại Hà Nội do ảnh hưởng bởi các nhà máy nhiệt điện hoặc ô nhiễm xuyên biên giới vì không đủ cơ sở để kết luận.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nên hướng tới việc thay thế các nhà máy nhiệt điện than bằng các công nghệ chạy bằng khí, tăng cơ cấu năng lượng tái tạo trong bản đồ năng lượng quốc gia. Việc này nằm trong khả năng của khoa học và Chính phủ cũng đã có mục tiêu để thực hiện.

"Hiện, tôi chưa muốn nhận định ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM có liên quan đến các nhà máy nhiệt điện than vì chưa có cơ sở. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch có ảnh hưởng đến hiệu ứng nhà kính và phát thải bụi mịn tại một số địa phương trên cả nước", Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà nói.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news