Theo báo Dân Việt, Tuổi trẻ, chiều tối nay (30/10), tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, báo chí đã nêu câu hỏi, vấn đề thuỷ điện quan điểm cho rằng thuỷ điện không phải là nguyên nhân chính gây ra lũ lụt, sạt lở đất đang xảy ra ở các tỉnh miền Trung.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, đợt thiên tai vừa rồi khốc liệt hơn đợt thiên tai lịch sử năm 1999, với 4 đợt bão liên tiếp từ bão số 6 đến số 9. Với bão số 9 là bão mạnh nhất 20 năm vừa qua, mưa lớn kéo dài khiến nhiều điểm có lượng mưa lớn hơn cả đợt năm 1999. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của chính phủ, Thủ tướng và các địa phương thì thiệt hại chỉ bằng 1 phần nhỏ so với năm 1999.
"Các chuyên gia về địa chất đánh giá rằng nguyên nhân chính là miền Trung là khu vực đồi núi cao, phân cắt mạnh, về địa chất có nhiều loại đất đá cổ bị đập vỡ nứt nẻ, tạo ra lớp vỏ phong hóa dài, nhiều lớp đất sét, là điều kiện hết sức bất lợi để nếu mưa lâu ngày thì nước chứa trong lớp phong hóa này nhão, kéo lực trượt xuống phía dưới.
Các hoạt động dân sinh, chăc chắn chúng ta cần mở đường, cần san ủi để có mặt bằng nhà ở, trường học, trong đó có cả các hoạt động thủy điện để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, thì việc chúng ta cắt taluy, tạo ra cắt mất chân sườn dốc là nguyên nhân kích hoạt thiên tai có thể xảy ra", Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, chúng ta nói nhiều đến chuyện mất rừng có phải là nguyên nhân hay không thì cần đánh giá từng trường hợp cụ thể. Như năm 2018, chúng ta chứng kiến kinh hoàng ở những khu vực là rừng nguyên sinh sạt lở như vết bổ cào trên sườn núi. Từ thực tiễn này để thấy có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Theo Thứ trưởng Bộ NNVPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, đợt thiên tai xảy ra tại miền Trung vừa rồi rất bất thường và dị thường. Chưa bao giờ trong 20 ngày, miền Trung chịu tới 4 cơn bão, lũ chồng lũ, bão chồng bão.
Theo Thứ trưởng Hiệp, chúng ta thiệt hại về người chủ yếu do sạt lở đất. Việc sạt lở đất diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở trạm Kiểm lâm 67 ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế hay chỗ Đoàn kinh tế 337 (Quảng Trị), mới nhất ở Nam Trà My (Quảng Nam) đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong bản đồ cảnh báo.
"Rõ ràng, chúng ta cần phải có ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn trong cảnh báo. Hiện hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao đã có bản đồ về sạt lở. Nhưng bản đồ sạt lở tỷ lệ đang là 1/50.000, để triển khai được trên thực tế thì cần tối thiểu là tỷ lệ 1/10.000, không cũng phải tỷ lệ 1/5.000, còn để xây dựng các điểm cụ thể thì cần tỷ lệ 1/500. "Với bản đồ tỷ lệ 1/50.000, ngay lập tức di chuyển nhiều xã thì không thể làm được", Thứ trưởng Hiệp nói.