Theo VTV News và Tuổi Trẻ, ngày 22/9 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường cho hay Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an phường Tân Vĩnh Hiệp (thị xã Tân Uyên, Bình Dương) vừa kiểm tra, tạm giữ hàng trăm ký bao cao su đã qua sử dụng đang được tái chế.
Trước đó, ngày 19/9, các lực lượng chức năng đã kiểm tra khu nhà trọ địa chỉ Tổ 4, Đường DX12, khu phố Hóa Nhựt, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và phát hiện chủ lô hàng này là bà Phạm Thị Thanh Ngọc, sinh năm 1987, quê quán Nghệ An.
Tại cơ quan điều tra, Ngọc khai nhận hàng tháng đều nhận 1 lô bao cao su đã qua sử dụng về để súc rửa, phơi khô và phân loại. Sau đó, Ngọc sử dụng các biện pháp tạo hình lại như mới và giao hàng cùng ngày.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã tạm giữ khoảng 324.000 bao cao su đã qua sử dụng chưa tái chế và đã tái chế (tương đương 360kg), chuyển về Đội QLTT số 4 để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Sự việc không chỉ khiến dư luận trong nước hết sức bất bình mà còn trở thành tâm điểm chú ý của nhiều tờ báo lớn trên thế giới.
Hãng thông tấn nổi tiếng Reuters nhanh chóng cập nhật tin tức về vụ việc. Cụ thể hơn, hãng này đã viết "không biết bao nhiêu chiếc bao cao su tái chế đã được tuồn ra bán tràn lan ngoài thị trường."
Phía Reuters cũng tiết lộ một người phụ nữ trong đường dây này đã khai "nhận được khoảng 17 cent (khoảng 4 ngàn đồng) cho mỗi kg mà cô có thể tái chế."
Tờ Daily Mail của Anh thì đưa dòng tít có phần mỉa mai hơn: "Nếu sang Việt Nam, tốt nhất bạn hãy tự xách tay bao cao su đi".
Trong bài viết, tờ này thuật lại sự việc thu giữ hơn 324.000 bao cao su đã qua sử dụng rồi tái chế. Tờ này còn nhận định "bao cao su qua sử dụng được coi là chất thải y tế nguy hiểm".
Một trang tin tức nổi tiếng là The Guardian của Anh cũng đã chia sẻ thông tin vụ việc gây chấn động tại Việt Nam.
Trang này đưa ra nhiều thông tin tương tự Reuters, trong số đó bao gồm việc "người phụ nữ đã nhận được chu cấp hàng tháng từ một người giấu mặt."
Trang Facebook chính thức của đài BBC tại Anh cũng đã đăng tải thông tin về vụ việc nói trên. Bài viết này đã nhận đến hơn 24.000 lượt tương tác, trong đó có gần 7.000 bình luận và hơn 11.000 lượt chia sẻ.
Trang The Sun vốn nổi tiếng với những tin tức đời sống cũng không bỏ qua cơ hội này. đăng nhiều hình ảnh được chụp tại cơ sở sản xuất. Báo Anh dẫn lời Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Tùng, cho biết, những bao cao su được thu giữ làm vật chứng và được xử lý ngay sau khi điều tra xong vì chúng được coi là "chất thải y tế nguy hại". Tờ báo cũng cho biết, có ít nhất 500 triệu bao cao su được tiêu thụ mỗi năm tại Việt Nam. Các chuyên gia cảnh báo việc tái sử dụng sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tình dục và mang thai ngoài ý muốn.