Từ vụ nam sinh Bình Định tử vong nghi thắt cổ tự tử, chuyên gia giáo dục khuyến cáo các phụ huynh nên gần gũi, quan tâm hơn đến con cái ở tuổi mới lớn; đặc biệt không nên tạo áp lực cho con cái trong học hành, thi cử.
Liên quan đến vụ em V.N.T.T (học sinh lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Quy Nhơn, Bình Định) treo cổ tự tử, sau hai ngày xảy ra sự việc vẫn chưa có thông tin về nguyên nhân dẫn đến câu chuyện đau lòng này. Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo ngại hơn cả khi đây không phải trường hợp học sinh có học lực giỏi đầu tiên có hành động dại dột.
Nhìn nhận sự việc ở góc độ tâm lý, TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, lứa tuổi đang lớn (học sinh THCS, THPT - PV), các em đang có sự thay đổi hoocmon tăng trưởng nên khả năng kiên nhẫn của chúng là rất kém, dễ bị rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh mặc dù không có nhiều lí do hoặc lí do rất nhỏ. Trong cuộc sống, khi gặp khó khăn rất nhỏ, chúng cũng có thể cảm thấy hết đường, hết niềm vui để sống và dễ dàng nảy sinh suy nghĩ tự tử
Bên cạnh đó, theo bà Hương, bệnh thành tích của cả xã hội, gia đình cũng làm cho đứa trẻ dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi và có những suy nghĩ tiêu cực.
Gia đình đang làm tang lễ cho em V.N.T.T. Ảnh: Dân Việt |
“Một số đứa trẻ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng về mục tiêu sống. Đó là khi đứa trẻ được bố mẹ đặt cho một nhiệm vụ là học để lấy được một cái nghề nhưng trong một hoàn cảnh nào đó chúng không làm được đúng ý nguyện của bố mẹ, dẫn đến trạng thái thất vọng về bản thân và dễ dàng nảy sinh ý nghĩ tự tử”, bà Hương phân tích.
TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội). Ảnh: Internet |
Cũng theo phân tích của tiến sĩ Hương, việc bố mẹ và con cái không tìm được tiếng nói chung cũng là lí do khiến một số trẻ có hành động sai lầm, kể cả việc tự tử.
"Khi trẻ gặp khó khăn, nó rất muốn có một chỗ dựa về tinh thần, khi nó không có chỗ dựa tinh thần đó thì nó sẽ cảm thấy khủng hoảng, cô đơn và hình thành suy nghĩ cả cuộc đời không ai yêu thương nó vì vậy mà không còn thiết sống nữa”, bà Hương nhận định.
Đề cập đến thực trạng trẻ em Việt Nam, đặc biệt trẻ em ở thành thị hiện nay chịu nhiều áp lực từ học tập, bà Hương nói: Trẻ con bây giờ phải học hành quá nhiều nên nó chỉ có mỗi một niềm vui là học và bên cạnh học là bạn bè. Điều đó có nghĩa là mối quan tâm của nó rất ít, chính vì việc đó nên khi nó có một thất vọng xảy đến với nó ở hai cái nó quan tâm nhất là học và bạn thì nó sẽ không còn niềm vui sống.
"Trong khi đó, giới trẻ ở các nước, nó có rất nhiều hoạt động khác như các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, các dự án...bởi vì nó có nhiều hoạt động như vậy nên khi đứa trẻ thất vọng ở hoạt động này nó có thể tham gia, tìm kiếm niềm vui ở các hoạt động khác nên nó sẽ không bị rơi vào trạng thái trầm cảm", bà Hương liên hệ.
Để có thể hạn chế tối đa tình trạng học sinh tự tử, theo TS Hương, phụ huynh cần dành thời gian, quan tâm hơn đến con cái để có thể nắm bắt, chia sẻ với con cái mọi chuyện. Bố mẹ có quyền nổi nóng khi con đạt kết quả học tập không như kỳ vọng, nhưng thay vì đánh đập, chửi mắng con, bố mẹ hãy thể hiện tế nhị việc mình không hài lòng để con cái tự biết và cố gắng. Đặc biệt, sau lúc đó, cha mẹ phải trò chuyện, chia sẻ với con như bạn bè thay vì lúc nào thấy con cũng nhắc học, hay thể hiện sự khó chịu, giận dữ.
“Những bố mẹ hay chửi mắng, đánh đập con thì trẻ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, muốn tự tử, còn phụ huynh yêu thương, chia sẻ với con thì sẽ không gặp trường hợp như thế”, bà Hương phân tích.
Lê Vy