Theo định hướng chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới đối với học sinh THPT, năm lớp 10 của bậc THPT sẽ là năm “dự hướng”, học sinh vẫn được học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn chương trình (CT) hiện hành, lớp 11, 12 sẽ không còn môn học nào bắt buộc nữa, tất cả các môn sẽ thành môn tự chọn.
Theo Dân trí và VTV, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã quy định: “GDPT 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho HS tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.
Học sinh lớp 11, 12 sẽ được tự chọn môn học? Ảnh: Internet |
GS Thuyết cho rằng, để đáp ứng yêu cầu “bảo đảm HS tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng” mà Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu, CT cấp THPT phải thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn. Theo định hướng này, CT sẽ dành một năm lớp 10 làm năm dự hướng, lớp 11 và lớp 12 để HS tự chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp.
Cụ thể, là ở lớp 10, HS vẫn được học đủ các môn với nội dung hướng nghiệp của từng môn rõ hơn CT hiện hành. Trừ ba môn công cụ Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ được dạy suốt năm học, các môn còn lại mỗi môn chỉ được bố trí trong một học kỳ.Môn Giáo dục Thể chất sẽ được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn. Như vậy, số lượng các môn học ở mỗi học kỳ lớp 10 chỉ vào khoảng 6 hoặc 7 môn.
Sau giai đoạn dự hướng, từ lớp 11 trở đi, HS cần được tập trung vào các môn học chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.
Trên Thanh niên thông tin, GS Thuyết đề xuất nên cho HS tự chọn 5 môn, trong đó có 3 môn theo định hướng nghề nghiệp sau này, 2 môn còn lại để HS được chọn theo ý thích, sở trường. Làm được như vậy, HS có điều kiện học sâu, học thực hành, trải nghiệm... các môn theo định hướng nghề nghiệp nhưng lại không bị quá tải, không bị áp lực học hành. Đặc biệt, khi đào tạo ĐH cho phép rút xuống còn 3 năm thì việc học như vậy ở THPT sẽ giúp hỗ trợ cho ĐH. Cho HS chọn môn như vậy, dành quyền cho các trường căn cứ vào điều kiện của mình để sắp xếp các tổ hợp môn khác nhau.
Bên cạnh đó, GS Thuyết cũng đề xuất phải bổ sung môn mỹ thuật, âm nhạc vào chương trình THPT vì chương trình THPT hiện hành vắng bóng hoàn toàn các môn học phục vụ cho HS có định hướng theo các chuyên ngành nghệ thuật, kiến trúc.
Lê Vy (tổng hợp)