Những ngày qua, các đoạn clip, hình ảnh các y, bác sĩ ở tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang kiệt sức, đổ gục tại chỗ vì phải mặc liên tục bộ đồ bảo hộ trong nhiều giờ giữa nắng nóng để lấy mẫu thử Covid-19 được chia sẻ đã trên MXH đã gây xúc động mạnh trong dư luận.
Việc nhân viên y tế phải căng mình làm việc khi thời tiết nắng nóng, cộng thêm bốc hơi của mặt sân bê tông, trời nóng quần áo bảo hộ không tỏa nhiệt khiến mặt ai cũng lấm tấm, quần áo ướt sũng dẫn tới nhiều người sốc nhiệt chóng mặt, mất nước, khó thở. Nhiều người tự nhủ cố gắng lấy hết được số mẫu cần và vượt qua khó khăn của thời tiết này.
Nhiều nhân viên y tế tâm sự, khi thực hiện lấy mẫu dưới cái nắng của mùa hè mồ hôi túa ra chảy xuống cay mắt nhưng lại không thể đưa tay lên lau mồ hôi, cũng chẳng dám thở mạnh vì sẽ bị mờ cặp kính cận.
Cảm thông với nỗi vất vả của các chiến sĩ tuyến đầu, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng y tế công cộng khẩn cấp cho biết, theo quy định khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, và Covid-19 nói riêng, nhân viên y tế cần phải được trang bị đồ bảo hộ để đảm bảo phòng tránh lây nhiễm.
Theo ông Phu, với tình hình thời tiết nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay, để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế, cần thiết điều phối lại thời gian làm việc như rút ngắn, hoặc tránh làm vào những thời điểm quá nắng nóng; đồng thời với những nhân viên y tế nếu cảm thấy sức khỏe không tốt nên tạm ngưng, phục hồi sức khỏe rồi tiếp tục công việc, không nên quá gắng sức, có hại cho sức khỏe.
Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cũng cho biết, nhân viên y tế làm việc cũng cần khoa học, hợp lý, như trong điều kiện nắng nóng cần bố trí nhiều nhân lực hơn để thay đổi nhau trong ca làm việc nhất là khi chống dịch ngoài trời.
Với những nhân viên y tế có nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm, làm trong không gian thoáng, ngoài trời, không phải trong các phòng kín thì không nhất thiết phải mặc các bộ đồ bảo hộ như hiện tại.