Mới đây, Bộ Y tế thông báo tại Hà Nội có 2 ca mắc Covid-19, đó là ca bệnh nhân 447 là bệnh nhân nam, 23 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội. Từ ngày 12-15/7/2020 bệnh nhân đi du lịch tại thành phố Đà Nẵng. Ngày 23/7/2020, bệnh nhân bị sốt, ho, mệt. Ngày 25-28/7/2020, bệnh nhân tự cách ly ở nhà. Ngày 28/7/2020, bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được lấy mẫu, kết quả ngày 29/7/2020 dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Ca nhiễm Covid-19 thứ 2 là bệnh nhân 459, nam 76 tuổi, ở Hoàng Hoa Thám, Tây Hồ, Hà Nội. Bệnh nhân đi Đà Nẵng khoảng 3 tuần nay. Ngày 21/7, bệnh nhân đến khám, xét nghiệm tại Bệnh viện C Đà Nẵng do tim nhịp nhanh. Ngày 25/7 bệnh nhân ra Hà Nội. Ngày 29/7, bệnh nhân được Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương lấy mẫu giám sát chủ động những người liên quan đến các khu vực nguy cơ tại Đà Nẵng và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Sau khi ghi nhận 2 ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội thì trên địa bàn thành phố tiếp tục xuất hiện tình trạng giá khẩu trang tăng vọt, người dân lại nháo nhào đi mua khẩu trang y tế. Tại một số cửa hàng thuốc lớn, nhỏ đều "cháy hàng" khẩu trang hoặc bán với giá trên trời; còn chợ thuốc lớn nhất Hà Nội Hapulico không bán khẩu trang y tế.
Trao đổi với báo Dân Trí, chị Trịnh Lâm (Long Biên, Hà Nội) một người bán hàng online cho biết, chị cũng có ý định nhập khẩu trang về bán nhưng giờ việc mua được khẩu trang rất khó.Rất nhiều nơi hô hào có sẵn vài trăm thùng, nhưng khi hỏi mua thì phải chờ cả tuần cũng chưa chắc lấy được.
>>>Xem thêm: Bộ Y tế thông báo khẩn sau khi phát hiện 4 ca nhiễm Covid-19 mới
Mới cách đây 1 ngày, giá khẩu trang dao động ở mức 5,5 triệu đồng/thùng, nhưng đến sáng nay (30/7), giá đã lên tới 7 triệu đồng. Thời điểm này, giá khẩu trang không tăng hàng chục lần như đợt dịch trước, nhưng cũng đã tăng gấp 3 lần với loại khẩu trang 4 lớp có kháng khuẩn.
Theo ghi nhận của PV Lao Động, tại một số hiệu thuốc ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy giá khẩu trang y tế đã bị đẩy lên gấp 2 đến 3 lần so với đầu tuần. Cụ thể, khẩu trang y tế 2 mặt 4 lớp trước giá chỉ 1.500 đồng đến 2.000 đồng, nay đã lên tới 5.000 đồng/chiếc.
Chị Trịnh Thu Linh (Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Trưa hôm qua đi mua một hộp khẩu trang 50 chiếc giá là 65.000 đồng/hộp mà tối đã lên thành 80.000 đồng/hộp. Sáng nay chạy đi mua cho bố mẹ dưới quê thì các cửa hàng đã bán lên đến 200.000 đồng/hộp mà có khi còn gần 300.000 đồng/hộp. Giờ có mua là tốt rồi chứ đắt cũng phải chịu".
Cũng nói với Lao Động, tại chợ thuốc lớn nhất Hà Nội Hapulico (trên đường Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), người mua người bán vẫn tất bật. Tuy nhiên, khi bước vào bên trong chợ thuốc, nhân viên của tất cả các cửa hàng, quầy thuốc đều lắc đầu và nói: "Không bán khẩu trang". Thậm chí, khách hàng chưa hỏi hết câu nhân viên đã lắc đầu hoặc nói "không bán".
Liên quan đến việc khẩu trang y tế tăng giá, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, không phải ở môi trường nào cũng phải sử dụng khẩu trang y tế. Khẩu trang vải được giặt hằng ngày cũng có tác dụng rất tốt trong việc ngăn chặn tiếp xúc với các giọt bắn.
>>>Xem thêm: Bệnh nhân mắc Covid-19 thứ 418 tiên lượng rất nặng, phải chuyển gấp ra Huế ngay trong đêm
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế phòng dịch, như thế sẽ tạo tâm lý ồ ạt mua khẩu trang y tế dẫn tới nhiều người đầu cơ, tích trữ, găm hàng đẩy giá, làm loạn giá khẩu trang.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thanh kiểm tra xử lý vi phạm trên địa bàn.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, đã có nhiều cơ sở sản xuất trong cả nước đầu tư, tham gia sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải, các trang thiết bị phòng, chống dịch với năng lực đảm bảo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt một số cơ sở đã sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, máy thở chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thực hiện nghiêm Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25-7-2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch trước tình hình hiện nay, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành đôn đốc các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, nguồn nguyên liệu.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, tăng giá bất hợp lý tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người dân và báo cáo về Bộ Y tế.