Các chuyên gia cho biết khói hương giống như khói thuốc lá, khói than có chứa các hoạt chất độc hại như benzen, toluene, xylenes gây kích ứng đường hô hấp, có thể dẫn đến ung thư hoặc tử vong.
Theo nghiên cứu của Hội Người tiêu dùng Đài Loan khi nghiên cứu với 13 loại hương khác nhau. Kết quả cho thấy 12/13 loại hương đó đều có độc tố là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư.
Sau 2 phút kể từ khi đốt hương trong phòng kín có từ 2,3-7,84 triệu butadiene và benzene trong không khí. Trong đó butadiene là nguyên nhân gây ra những bệnh như ung thư mạch bạch huyết và ung thư máu, còn benzene khiến cho các cơ quan như mắt, da, hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, gan và thận tổn thương.
Ngoài ra kết quả của một nghiên cứu khác cũng đã cho thấy khói hương làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ác tính ở lưỡi, miệng, cổ họng và nguy hiểm hơn nó có thể gây nên viêm xoang và ung thư mũi.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai, người mắc chứng hen suyễn hay đang nuôi con nhỏ cần tuyệt đối tránh không gian có khói nhang đậm đặc.
Khói hương có chứa các hoạt chất độc hại như benzen, toluene, xylenes gây kích ứng đường hô hấp, có thể dẫn đến ung thư hoặc tử vong.
Trao đổi trên báo Infonet, BS Đặng Văn Nguyên cho biết, người Việt Nam thường muốn mua những loại hương sau khi thắp xong, tàn sẽ uốn cong và cho rằng như vậy là có lộc. Tuy nhiên để có được tàn uốn cong người sản xuất phải tẩm hóa chất phosphoric acid (H3PO4) để ngâm tăm hương.
Nén hương cong, đẹp tùy theo nồng độ hóa chất và thời gian ngâm tẩm. Vì thế, những que hương càng cong đẹp thì mức độ nguy hiểm sức khỏe con người ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, cũng không nên cắm chân hương vào đồ ăn để cúng vì chân hương được tẩm hóa chất sẽ dẫn truyền vào thức ăn, dễ gây ngộ độc.
Trao đổi với Dân trí về sử dụng hóa hóa chất trong làm hương trầm, TS. Nguyễn Công Ngữ – Nguyên trưởng phòng Nghiên cứu thực phẩm – Viện Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ NN-PTNT cảnh báo, trong làm hương hiện nay, do chạy theo thị hiếu người tiêu dùng, nhiều hộ sản xuất hương đã sử dụng hóa chất là axít photphoric (H3PO4) để ngâm tăm hương.
Phân tích theo khía cạnh hóa học, khi ngâm tăm hương vào H3PO4 các hợp chất hữu cơ sẽ bị loại bỏ, H3PO4 sẽ kết hợp với xenlulo (thành phần chính của que tre, nứa) tạo thành estephotphat. Sau khi được phơi khô, nước sẽ bay hơi, trên tăm hương sẽ chỉ còn estephotphat. Khi đốt hương, nhiệt độ sẽ làm cho estephotphat thăng hoa dưới dạng andihrit photphoric (P2O5) làm que hương cháy nhanh hơn đồng thời kéo tàn hương có hình cong tròn. Tuy nhiên, các chất khí được sinh ra trong quá trình đốt hương sẽ có chất P2O5. Chất này tồn tại trong không khí, khi tác động lên da sẽ làm da bị mòn; tác động lên hệ hô hấp gây khó thở; tác động lên giác mạc gây ngứa mắt. Vì những lý do này mà khi đi đền, chùa gặp khói hương đốt dày đặc nhiều người có biểu hiện chảy nước mắt, ho sặc sụa…
Những biện pháp phòng tránh nguy hiểm khi thắp hương (nhang):
Trang bị một máy hút mùi: Loại máy này có khả năng nhanh chóng đưa các làn khói tỏa ra từ nén hương ra vùng không gian rộng lớn hơn, góp phần làm không khí trong phòng trở nên thoáng đãng hơn.
Không ngửi mùi khói trực tiếp từ nén hương: Việc hít khói trực tiếp từ nén hương có thể gây ra các vấn đề ở mũi. Trong trường hợp nặng, mũi của bạn có thể tạm thời ngừng hoạt động vì các chất độc có trong nó. Tốt nhất sau khi thắp, bạn nên nhanh chóng để lên bàn thờ và di chuyển ra vị trí khác để hít thở không khí trong lành hơn.
Mở cửa sổ, cửa ra vào khi thắp hương: Việc mở cửa sổ sẽ giúp không khí trong phòng dễ lưu thông, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người sinh hoạt trong khu vực này.
Mua các loại hương chất lượng cao: Thành phần chủ yếu của hương bao gồm bột gỗ, tinh dầu và một số yếu tố gây hại cho sức khỏe khác. Bằng cách lựa chọn loại hương được làm từ tinh dầu có chất lượng tốt sẽ giảm thiểu được đáng kể nguy cơ gây hại.
Dã Quỳ (Tổng hợp)