Vừa qua, trong buổi tọa đàm về thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng, do một đơn vị truyền thông tổ chức, ông Trần Hướng Dương đã có chia sẻ: "Quan điểm của tôi là không dùng từ phong sát, cấm sóng với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp văn hóa, điều kiện đất nước. Chúng tôi có nghiên cứu, tham khảo cách làm việc của nước ngoài, nhưng áp dụng tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn. Với những trường hợp vi phạm, chúng ta sử dụng luật an ninh mạng, luật công nghệ thông tin, Nghị định về nghệ thuật biểu diễn để đưa ra hình phạt".
Theo như ông Dương: "Cục Nghệ thuật Biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đang phối hợp Bộ Thông tin, Truyền thông, Bộ Công an xây dựng quy chế quy trình xử lý, hạn chế hoạt động và sức ảnh hưởng của những trường hợp không tuân thủ quy tắc ứng xử. Theo lộ trình, dự thảo sẽ hoàn thiện trước tháng 10".
Đối với việc dùng từ "phong sát", theo Baidu từ này thường được dùng trong lĩnh vực giải trí, thể thao, chỉ một người nghệ sĩ nổi tiếng vị áp các hình thức trừng phạt như cấm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, cấm thi đấu do vi phạm pháp luật, đạo đức, bị xóa sổ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Trong những năm gần đây, rất nhiều sao thần tượng đình đám tại Trung Quốc đã bị "phong sát".
Tại cuộc thảo luận này, ông Dương cũng nhắc lại bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, với một mục yêu cầu riêng về cách hành xử trên không gian mạng. Theo đó, Bộ yêu cần các nghệ sĩ cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có kiểm chứng, bình luận đúng mực, có văn hóa về những vấn đề dư luận quan tâm, không gây mâu thuẫn, phân biệt vùng, miền, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo hoặc sử dụng hình ảnh phản cảm.
Trước đó vào ngày 31/3, Bộ trưởng Thông tin, Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ký Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025, gồm một nhiệm vụ liên quan quản lý người nổi tiếng trên mạng. Theo văn bản, Cục Phát thanh, Truyền hình sẽ phối hợp Cục Nghệ thuật Biểu diễn soạn thảo quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm, trái với thuần phong mỹ tục. Dù văn bản không dùng từ "phong sát", "cấm sóng", nhiều người cho biết ủng hộ cơ quan quản lý dùng biện pháp mạnh.
Đây là vấn đề được quan tâm trong bối cảnh những năm gần đây, làng giải trí trong nước liên tục xảy ra ồn ào ở nhiều lĩnh vực như: Nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, nghệ sĩ dùng mạng xã hội đăng thông tin sai sự thật, tình trạng nhạc "rác", nhảm tràn lan, các vấn đề lùm xùm liên quan đến hoạt động thiện nguyện.
Vào tháng 12 năm ngoái, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) đã đề cập đến vấn đề trong Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022. Bà cho hay Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ động đề xuất lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, quy tắc ứng xử theo hướng "cấm sóng". Điều đó đồng nghĩa với việc nghệ sĩ đó bị hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng hình ảnh trên các đài phát thanh, truyền hình và môi trường mạng.
Vào cuối năm 2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay từng ban hành Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ để "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", với các nội dung liên quan tuân thủ pháp luật, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, ứng xử trên không gian mạng.
Ảnh: Tổng hợp