Về sau, khi Năm Cam giàu có, nhiều lần đích thân đến thuyết phục Chà Và Hương về ở cùng để tiện bề chăm sóc.
Thời niên thiếu Năm Cam gánh tội thay anh rể là Bảy Sy, phải đi khám Chí Hòa. Thời gian ấy Chà Và Hương cũng xộ khám chờ ngày xét xử. Vì nể Bảy Sy và được nhờ vả, nên Chà Và Hương nhận chăm sóc cho Năm Cam. Về sau, khi Năm Cam giàu có, nhiều lần đích thân đến thuyết phục Chà Và Hương về ở cùng để tiện bề chăm sóc. Nhưng vì đã giã từ giang hồ, Chà Và Hương nhất quyết thoái thác.
Bảo vệ Năm Cam vì chữ tình
Cuối năm 1962, khi ấy Trương Văn Cam (tức Năm Cam) mới 15 tuổi, nhưng đã lấy vợ là em của Nguyễn Văn Sy (tức Bảy Sy). Bảy Sy lúc ấy là một trùm giang hồ quận 4, chủ của sòng bài Bảy Sy, thu hút rất nhiều con bạc. Bản thân Năm Cam từ nhỏ đã bám theo anh vợ để mưu sinh giang hồ và là thân cận của Bảy Sy. Một lần, bảo vệ sòng bạc, Bảy Sy dùng dao đâm chết Nguyễn Văn Lót (Trần Ánh Tuyết) trên đường Nguyễn Công Trứ, thuộc khu Da Heo. Để cứu lấy cơ nghiệp bài bạc mà anh rể tạo dựng, Cam chịu tội thay anh. Đến đầu năm 1964, Cam bị kết án ba năm tù giam ở Chí Hòa.
Khi bị kết án, Năm Cam còn nhỏ, tuổi đời giang hồ còn non nớt. Lúc này Chà Và Hương vì trốn lính nên cũng bị bắt giam tại Chí Hòa chờ ngày xét xử. Trong thời gian này, người thân ở ngoài lo sợ đám giang hồ trong trại quấy quả Năm Cam, nên nhớ tới Chà Và Hương, người từng bảo kê sòng bài Bảy Sy. Người nhà Năm Cam nhờ Chà Và Hương chăm lo bảo vệ cho đàn em Năm Cam qua khỏi kiếp nạn. Vì là người từng vào tù ra tội, nên Chà Và Hương thống lĩnh đám giang hồ trong trại.
Chà Và Hương bên bức tượng một học trò đúc tặng ông.
Vừa vào trại Chà Và Hương đã hỏi “thằng nào là thằng Cam?”. Ngay lúc ấy một cậu nhóc gầy gò bước ra bảo “dạ em”. Chà Và Hương kéo Năm Camlại rồi nhìn đám tù bảo “thằng này giờ là em tao, không đứa nào được làm khó nó”. Kể từ đó, Chà Và Hương xem Cam như em, bảo ban chăm sóc từng tý một.
Thời ấy, đám tù chỉ được ăn cơm gạo lức nhưng Chà Và Hương thì luôn được cho ăn cơm trắng. Hơn nữa, đám tù người Hoa nghe thấy tiếng Chà Và Hương thì sợ nên mới cung phụng đồ ăn, thức uống đủ kiểu. Chà Và Hương ăn không hết, liền kéo những anh em tù nghèo khó tới ăn, lúc nào Năm Cam cũng được miếng ngon nhất.
Ở trong khám nước uống rất quý giá, dân trong khám thậm chí không có nước để rửa mặt. Đám lâu la bên ngoài thấy chùa kế bên nhiều nước liền đến ăn cắp, rồi bị các tiểu sư đuổi đi, nhưng chúng chống trả. Thấy vậy Chà Và Hương ra mặt bênh thầy tu, đuổi đánh đám côn đồ. Nhà chùa cảm kích ơn trên mà cho Hương mỗi ngày một thùng phuy nước vừa tắm, vừa lấy nước uống.
Tiết kiệm số nước nhà chùa cho, Chà Và Hương sai Năm Cam và đàn em trong trại mang bán cho những tù nhân người Hoa. Tiền có được từ bán nước, Chà Và Hương cho đàn em nghèo khổ cất giữ rồi tới tháng gửi về chogia đình chúng. Đám tù thời đó rất nể phục Chà Và Hương.
“Ông trùm” và cuộc hội ngộ sau 20 năm
Bên quân lao nhốt Chà Và Hương vài tháng ở Chí Hòa, rồi đưa ra xét xử. Tòa xử Chà Và Hương 18 tháng, làm lao công đầu binh ở hầm đá Núi Leo, Bình Tuy. Vừa vào tù buổi sáng thì tối Chà Và Hương vượt ngục. Ông chui qua hàng rào thép gai, băng qua Hàng Gòn, vào Lò Than để tìm cách về. Mấy tháng trời lang bạt ông mới tìm về lại khu vực hoạt động của mình. Trong thời gian ông lang bạt, trốn chạy thì Năm Cam vẫn còn trong khám Chí Hòa và được giang hồ Lâm “chín ngón” chăm sóc, bảo ban.
Thuở trước cứ mỗi tuần Chà Và Hương lại ghé các sòng bài thu tiền bảo kê như sòng Balikao, Hai Niệm, Năm Thông Lợi, Bảy Sy, Sơn Đảo, Tín Mã Nàm... lấy mỗi nơi vài ngàn về tiêu xài và chia cho đàn em. Sau khi trốn chạy vài tháng, Chà Và Hương về và ghé chỗ ông Hai Niệm (trùm sòng bài vừa về quy ẩn) vừa để lấy tiền, vừa thăm bệnh.
Khi Năm Cam đã được thả quay trở về hoạt động cho Bảy Sy. Năm Cam tới nhà Hai Niệm, nhưng chỉ dám lấp ló ngoài cửa sổ. Lúc ấy Năm Cam còn nghèo khổ, mặc quần đùi đen, đi chiếc xe đạp cà tàng. Gặp Chà Và Hương, Năm Cam mừng rỡ hỏi han, nhưng Chà Và Hương chỉ ừ à cho qua chuyện. Bởi với ông đàn em trong khám ai ông cũng nâng đỡ, chăm sóc.
Hai mươi năm sau, Năm Cam hôm nào nghèo khổ đã đổi khác. Một lần đang chạy xe trên đường Tự Do buổi tối, con đường vắng tênh, Chà Và Hương chợt giật mình khi nghe có tiếng còi xe hơi rú sau mình. Hương tưởng xin đường nên không dòm lại, mà ngoắc tay ra hiệu cho xe hơi vượt. Xe không vượt mà tiếp tục tuýt còi khiến Chà Và Hương bực dọc, nhưng ông vẫn cố nhịn ngoắc tay thêm lần nữa. Xe hơi đằng sau lại tiếp tục tuýt còi.
Hương quay lại toan quát mắng, thì Năm Cam từ trên xe thò đầu ra chào Chà Và Hương rồi kêu Chà Và Hương chạy thẳng ra mé sông. Chà Và Hương kể: “Lúc ấy ở cuối đường Tự Do là nhà hàng mé sông, nó nói là của nó đấy. Lúc ấy tui thấy chiếc xe jeep của đại tá Ngọc trong thành phần bài trừ du đãng. Bởi khắp vùng ấy chỉ có chiếc xe jeep này là có hình con đại bàng đôi chân nạm vàng. Chỉ ngần ấy năm mà tôi không hiểu sao thằng Cam giàu và có thế lực đến vậy”.
Vào bàn ăn, Năm Cam hỏi Chà Và Hương “bây giờ anh làm gì vậy?”, Hương trả lời “mày biết anh có cái nghề võ rồi, anh dạy tụi nhỏ kiếm sống”. Năm Cam mời Chà Và Hương về ở với mình. Sau lần gặp bất ngờ ấy, Chà Và Hương về nhà cả đêm không ngủ, đắn đo không biết có nên nghe theo Năm Cam về mưu đồ nghiệp lớn hay không. Nghĩ đoạn Chà Và Hương lại tự dằn mình “liệu có phải thằng Cam bán xì ke không, chứ sao nó giàu nhanh thế được”.
“Bản thân tui tuy là vào tù ra tội nhiều vì bênh anh em, trốn lính chứ chưa bao giờ làm cắp, trộm, cướp, giết hay bán xì ke gì hết. Nghĩ tới chuyện phạm pháp lớn như vậy tui e dè, không dám dính tới. Nhiều dịp Cam kêu đàn em đến tận nhà tui dưới Củ Chi, để mời lên sống với nó, nhưng tui kêu “thôi anh dạy võ vậy sống được rồi, hơn nữa anh cũng giã từ giang hồ rồi”. Thấy giang hồ đồn đại Năm Cam giờ làm “vương” một cõi, lại giàu có hơn người nên vợ tui cũng sợ hãi bèn khuyên tui thôi đừng dính tới. Nghe vợ khuyên, tui quyết định từ chối thẳng thừng lòng tốt của Năm Cam” – Chà Và Hương quả quyết.
Năm Cam từng trả nghĩa cho Chà Và Hương nhưng bất thành.
Năm 1984 vợ Chà Và Hương đi theo người con lai qua Mỹ ở. Cuộc sống khốn khó đẩy Chà Và Hương vào cảnh túng quẫn, bệnh tật. Có lần Chà Và Hương bị bệnh đi từ bệnh viện Trưng Vương về, gặp Năm Cam. Năm Cam mời Chà Và Hương ăn, uống rồi bảo chút xíu đến nhà Năm Cam chơi. Nhưng, Chà Và Hương từ chối với lý do đã già, lại bệnh mong Năm Cam đừng kiếm nữa, đừng nghĩ gì đến chuyện ân tình xưa, vì Chà Và Hương từng giúp rất nhiều người chứ không riêng gì Năm Cam. Bản thân Chà Và Hương cũng lường trước được những gì mà Năm Cam làm với đám anh em có ân với Năm Cam như Bảy Sy, Lâm “chín ngón”, nên ông thà nghèo chứ không theo. Sau lần ấy, giữa Năm Cam và Chà Và Hương không liên lạc với nhau nữa.
Bí mật vụ sát hại ân nhân Chà Và Hương kể: “Tôi nghe đám giang hồ thân cận Lâm “chín ngón” bảo rằng sau khi ra tù, Lâm “chín ngón” tìm tới Năm Cam đòi ơn. Vì hống hách toan tiếm quyền của Năm Cam nên Lâm “chín ngón” bị thanh toán. Năm 1998, Năm Cam sai Hải “bánh” (tức Nguyễn Tuấn Hải) tìm cách triệt hạ Lâm “chín ngón”. Trước đó Hải “bánh” là đệ tử của Dung Hà (tức Vũ Hoàng Dung), nên hắn tìm đến Dung Hà nhờ trợ giúp. Dung Hà nhận tiền cho đàn em tạt axít Lâm “chín ngón”. Lâm “chín ngón” bị tạt axít mù mắt. Buồn cảnh tàn tật, năm 2006 Lâm “chín ngón” đâm đầu vào nồi cháo của vợ đang nấu cho heo ăn mà chết. Suốt nhiều năm, giang hồ Sài Gòn còn sợ mưu mô thâm độc của trùm Năm Cam”. |
Hoàng Minh