Hàng loạt tên lưu manh cặn bã của chế độ cũ bị giam giữ ở Chí Hòa, nhân cơ hội ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã sổng ra và rục rịch ngóc đầu dậy.
Hàng loạt tên lưu manh cặn bã của chế độ cũ bị giam giữ ở Chí Hòa, nhân cơ hội ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã sổng ra và rục rịch ngóc đầu dậy. Một số vụ cướp có súng xảy ra trên địa bàn thành phố do những tay sừng sỏ của giang hồ Sài Gòn gây nên, đã buộc những người có trách nhiệm quyết định các biện pháp mạnh. Trong đó, những chiến tích bất hảo được lưu trong hồ sơ của cảnh sát chế độ cũ, đều lần lượt bị bắt tập chung cải tạo.
Máu tham nghe thấy hơi tiền là chơi
Năm Cam cũng không thoát khỏi đợt tống càn quét này. Y bị bắt ở khu vực trung tâm Sài Gòn do chứng nào tật nấy, lui tới những sòng bạc còn lén lút hoạt động buổi giao thời để kiếm chác, và không thoát khỏi tai mắt của người dân. Đưa vào đồn cảnh sát quận II nằm trên đường bác sĩ Yersin. Năm cam hiểu rằng mình đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi xem thường pháp luật. Y quá chủ quan khi cho rằng, những quân nhân Cách mạng quen thuộc với địa đạo và bom đạn trên tuyến lửa Trường Sơn, khi vào thành phố làm công việc giữ gìn an ninh vốn xa lạ với kinh nghiệm của họ, sẽ không tài nào biết được hoạt động của các sòng bạc. Thế mà, y đã phải ngậm ngùi sau cánh cửa tò vò của trại giam.
Quý tử hình, anh ruột của Châu Phát Lai Em, một đệ tử thâm tín của Năm Cam sau này, đã chết trước mắt Năm Cam vì lên cơn vật vã do thiếu thuốc phiện. Đó cũng chính là một trong những lý do Năm Cam ghét ma túy một cách khủng khiếp. Y cho biết: "Con bé Châu, con anh Mười côn lôn và chị Kiên bị bệnh tiêu chảy kinh niên, bụng ỏng eo, mỗi lúc qua nhà chơi, anh nhìn thấy nó mà còn tội nghiệp! Vậy mà ông Mười có lo được gì cho con cái đâu? Tội nghiệp chị Kiên, gặp một ông chồng nghiện oặt nghười như ông, có hưởng được gì cho ra cuộc đời con gái… Rồi thì ông Nô cao giò, chích đến độ nát hết cả bẹn, mỗi lần lên cơn phải nhờ vợ là chi Nữa chích giùm ở cổ, và mỗi lân chích là mỗi lần khóc! Thấy trước mắt anh sợ lắm".
Năm Cam bị bắt.
Nằm giam ở phòng bót cảnh sát quận II được vài tháng, Năm Cam được tha về trong một buổi chiều. Nghe lời một ai đó bày cho, chị Tư Xẩm và vợ Năm Cam làm đơn đi kinh tế mới. Ngày trở về, Năm Cam đành chấp nhận giải pháp tình thế này. Gom góp được một số tiền, Năm Cam bắt đầu lao ra khu chợ trời Huỳnh Thúc Kháng để xoay sở cho cuộc sống và nuôi con cái. Đứa con gái lớn của y và Trúc, Lan-vừa thi đậu vào trường Trưng Vương cũng đành giã từ con đường học vấn để giúp mẹ lo chuyện gia đình. Thọ-con trai độc nhất của chị Tư Xẩm,Năm Cam… cũng thôi học.
Cả nhà đều tất bật với cuộc sống hệt như bao gia đình buổi giao thời khác. Đạo, con dì Hai Ngọt cũng đã trở về hàm Trung úy quân giải phóng. Nhờ một người quen có gốc gác ở miền Tây, chị Tư Xẩm xuống tận xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang để mua lại một mảnh vườn khoảng 3 công đất. Đồng tiền kiếm được ở chợ trời Huỳnh Thúc Kháng được Năm Cam dồn vào việc trồng và chăm sóc vườn cây ăn trái.Lúc ấy, những tưởng cuộc đời của Năm Cam sẽ kết thúc êm đềm hệt như bao người khác, như một lão nông tri điền có nhan nhản khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Thế nhưng, máu tham đã làm hại con ngời của Năm Cam…
Cuộc bon chen ở chợ trời sản sinh ra nhiều người rủng rỉnh tiền bạc. Đôi khi chỉ một hai lời nói ngọt ngào hoặc một màn kịch đóng khéo léo, đủ để một con buôn chợ trời kiếm chác được một số tiền lớn gấp mấy lần lương tháng của một công nhân viên chức Nhà nước.
Lúc bấy giờ, Luông điếc đã tái xuất giang hồ. Tên giang hồ gác sòng điếc tai nhưng hung tợn này, cùng vợ là Thu Hà, người đàn bà này cũng xuất thân từ giới lưu manh mạt hạng được gọi bằng hỗn danh Hà trề, ra mở quán cà phê cóc ở góc pasteur, Huỳnh Thúc Kháng. Năm Cam đặc biệt thích tính tình của Luông điếc nên kết giao rất thân mật.
Gặp ông trùm Tám Phánh thời mạt vận
Năm Cam nhận ra, những lúc nhàm rỗi, những ông tướng chợ trời hay lôi bộ bài ra sát phạt. Y hiểu ra đây chính là cơ hội kiếm tiền của mình. Năm Cam thuê những căn nhà ở quanh đó, không quá lâu để thành quy luật, và tổ chức chứa bài lấy xâu. Dĩ nhiên, số tiền xâu được không lớn như ngày trước do những con bạc ăn thua không lớn và có giới hạn…
Bất ngờ và cũng là định mệnh, Năm Cam lại gặp Tám Phánh. Ở miền Nam ai đã từng cầm cây bài để sát phạt ăn thua, hẳn đều biết nhân vật này. Ông Tám Phánh là chủ nhân của khách sạn Kim Thành, lớn nhất khu Chợ Lớn thời trước ngày giải phóng. Thế nhưng, người ta biết đến ông vì ông là chủ của rất nhiều sẹc. Tổ chức sẹc có từ đầu thế kỉ XX, thoạt đầu là những tổ chức giải trí với mọi đủ thứ vui kể cả gái đẹp và cờ bạc, do những ông bang trưởng của ngũ bang: Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hẹ và Hải Nam đứng ra xin phép chính quyền thực dân Pháp thiết lập.
Đến khi Bình Xuyên của Bảy Viễn lấn sân vào các hoạt động ăn chơi của Sài Gòn Chợ Lớn, các sẹc của người Pháp không đủ tư thế để cạnh tranh với những Kim Chung, Đại Thế Giới và Bình Khang, nên tự rút lui vào bóng tối. Tiền thu được hằng đêm ở các nơi chở bằng xe traction từng thùng về đại bản doanh Bảy Viễn chứng tỏ chẳng có gì lợi nhuận cao hơn nghề tổ chức cờ bạc… Năm 1955, lợi dụng được quân của Trịnh Minh Thế quay súng về ủng hộ, Ngô Đình Diệm đã triệt hạ được Bình Xuyên- Bảy Viễn, đồng thời ngay trong cuộc giao chiến ở cầu Quay-Khánh Hội, Trịnh Minh Thế cũng bị giết bằng 1 phát carbin từ phía sau.
Các sòng bạc của người Hoa lại mọc lên như nấm sau mưa. Tất nhiên để có thể tồn tại một cách gần như công khai, việc hối lộ cho các quan chức cũng được thường xuyên và rải từ trên xuống dưới. Đến thời “tam đầu chế” Thiệu-Kỳ-Khiêm rồi Khiêm ra đi để tướng Nguyễn Hữu Có lọt vào bộ sậu cầm quyền, sòng bạc của Tám Phánh nổi lên như một hiện tượng. Bởi lẽ, sòng có sự bảo trợ bằng hình thức “hùn hạp” của trung tướng Phạm Văn Đổng-Bộ trưởng Bộ Cựu Chiến Binh. Tất cả Sài Gòn Chợ Lớn có hơn 30 sòng bạc, không có sòng nào không có “phần hùn của chú Tám”! Dĩ nhiên ,đó là những sòng bạc lớn có đầy đủ những trò đỏ đen,còn cỡ sòng bạc như Bảy Xi-Năm Cam, chỉ đáng một nụ cười nửa miệng của Tám Phánh…
Thế mà, sau nhát chổi cực mạnh của Ủy Ban Quân Quản thành phố, những kẻ tạo dựng cơ đồ bằng cách dựa vào thế lực của chế độ cũ làm ăn phi pháp, đều trở nên trắng tay. Tám Phánh cũng không thoát khỏi kiếp nạn. Ông ta chỉ còn lại một căn phố lầu nho do một cô vợ bé bằng tuổi cháu ngoại ông,đứng tên. Thói thường khi gắn bó với nhau bằng tiền tài thì khi của cải đội nón ra đi, tình nghĩa bám vào đâu mà tồn tại? Cô vợ ngang nhiên đem nhân tình trẻ khỏe đẹp trai để vào nhà để bày trò trên người ông chồng già thất thế…
Buồn tình, anh Tám bỏ đi lang thang với thói quen hút thuốc phiện, đã gặp Năm Cam một cách tình cờ. Sự nể trọng của Năm Cam dành cho Tám Phánh đã làm cho ông già sa cơ lỡ vận hết sức cảm động.
Thế là, mặc nhiên ông Tám xem Năm Cam như một truyền nhân duy nhất để hướng dẫn cho Năm Cam mọi ngóc ngách của nghề tổ chức sòng bài. Mãi đến lúc này, Năm Cam mới hiểu được vì sao bao nhiêu năm ròng rã mở sòng bạc, Bảy Xi cũng không thể trở nên giàu có! Ông Tám phân tích tường tận mọi thứ, từ tâm lý của các tay chơi bạc đến thủ thuật vét sạch đến đồng bạc cuối cùng trong túi những kẻ máu me bằng đường lối dịu ngọt: "Tất cả những điều anh nói với em, rất tiếc đã không còn hợp thời… Anh em mình gặp nhau quá muộn, lúc anh ở đỉnh cao, em có hưởng được gì đâu mà bây giờ trở thành gánh nặng suốt đời cho em?"-Tám Phánh nói với giọng xúc động thực sự.
Từ ngày có “quân sư” Tám Phánh, Năm Cam thay đổi hẳn cách làm ăn. Y bắt đầu quan hệ rộng hơn trong giới giang hồ và bọn con buôn trong chợ trời để bằng mọi cách lôi kéo các con bạc về chơi với sòng bạc của mình. Để có thể tồn tại trước chính quyền đầy rẫy tai mắt của nhân dân , theo tham mưu của Tám Phánh, Năm Cam tổ chức những sòng bạc cò con luôn thay đổi địa điểm và quy luật. Chỉ trong một thời gian ngắn, Năm Cam ăn nên làm ra và đã mua thêm cả mẫu tây đất vườn ở Cầu Ông Vẽ- Cái Bè để trồng cam. Một bữa nọ, Năm Cam bị bắt với đầy đủ bộ sậu: Sáu Nhà, Tám Phánh, bởi một nguyên cớ hết sức vô duyên.
Hoàng Chinh