60 đến 130 năm cây tre mới ra hoa một lần
Trên thế giới có khoảng 1.200 loài tre và chúng đều sở hữu tốc độ tăng trưởng thuộc “top đầu” trong các loài thực vật thân gỗ. Mỗi ngày, cây tre có thể cao thêm 10cm. Thậm chí, có một số loài tre còn cao 1m mỗi ngày hoặc 1mm sau mỗi 2 phút.
Mặc dù có sức tăng trưởng “khủng” nhưng đây lại là loài cây ra hoa chậm nhất trên thế giới. Việc tre ra hoa còn được xem là hiện tượng độc đáo và hiếm gặp. Trung bình, mỗi cây tre sống khoảng 60 năm đến 130 năm mới ra hoa một lần. Hoa của chúng có màu vàng nhạt, nở thành chùm lớn. Tuy nhiên, sau khi hoa nở thì cả cụm tre (hoặc rừng tre) sẽ bị tàn rụi và tới vài năm sau, chúng mới đâm chồi trở lại.
Hoa tre cũng rất kỳ lạ, dường như chúng có mối liên kết vô cùng đặc biệt. Cụ thể, những cây tre cùng loài hoặc cụm sẽ ra hoa gần như đồng thời, bất kể vị trí địa lý hay thời tiết nào. Điều đặc biệt, nếu một cây tre tách cụm, được trồng ở nơi khác thì tới khi nở hoa, chúng cũng rộ và tàn cùng thời điểm. Hiện tượng này được các nhà khoa học gọi là trổ bông tập thể. Song, nhiều người cũng cho rằng, hiện tượng này xảy ra bởi các cây có chung một gốc gen với cây mẹ, bởi vậy thời gian nở hoa tương đồng.
Hoa tre thường nở thành chùm, có màu vàng nhạt. Dẫu vậy, màu sắc của hoa tre sẽ thay đổi tùy theo từng loài. Hoa tre kết quả, tạo thành quả tre – còn gọi là “cơm tre”.
Bí ẩn hoa trẻ nở là điềm báo không may mắn
Do tre nở hoa là một sự kiện hiếm gặp, nên nó đã trở thành đề tài của nhiều truyền thuyết và được coi là một dấu hiệu báo trước sự cảm ứng hoặc biến đổi từ thiên nhiên hoặc thậm chí là một thảm họa sắp xảy ra. Một số người tin rằng khi tre nở hoa, có thể sẽ có dịch bệnh, thiên tai hoặc một sự kiện lớn nào đó.
Tại Ấn Độ, hiện tượng tre nở hoa lại được xem là điềm gở. Lý do là bởi khi hoa tre nở thu hút rất nhiều loài gặm nhấm, điển hình là chuột. Chính vì vậy, hoa tre xuất hiện sẽ khiến chuột sẽ sinh sôi nảy nở một cách chóng mặt. Sau khi ăn hết gốc tre, chúng sẽ tấn công sang các loại cây khác. Do đó, tại một số vùng, hoa tre nở thường kéo theo nạn đói, bệnh dịch.
Lịch sử của quốc gia này cũng chứng minh điều đó. Vào tháng 10 năm 1958, chính phủ Ấn Độ lúc bấy giờ đã khước từ yêu cầu viện trợ tài chính của quận Mizoram, khi quận này cho rằng tre nở hoa sẽ làm đại dịch chuột xuất hiện. Và hệ quả là năm 1959, khu vực này đã chịu nạn đói cùng hạn hán nghiêm trọng.
Ở Việt Nam, bà con cũng không mặn mà với loài hoa đặc biệt này khi họ cho rằng đó là điều không may mắn. Bởi với những loài cây khác, khi hoa nở cũng chính là thời kỳ hưng thịnh của chúng, tuy nhiên cây tre lại lụi tàn. Vì vậy, họ quan niệm rằng khi gặp phải hoa hoặc quả tre là “điềm báo” điều xui. Dẫu vậy, với vài người, hiện tượng này cũng đáng được chiêm ngưỡng.
Tại Trung Quốc, người dân đã đúc kết ra quy luật kỳ lạ. Họ tin rằng “Hoa tre, hoa trúc” là điềm gở, cảnh báo thế nhân trước khi thiên tai, dị họa ập đến. Hoa tre, hoa trúc thường đi kèm với thảm hoạ trong vùng nên mọi người cần nhanh chóng di dời để thoát hoạ.
Những bông hoa tre ám ảnh người dân Tứ Xuyên, Trung Quốc. Năm 2005, một diện tích lớn tre ra hoa rồi héo chết ở dãy núi Dân Sơn. Đến cuối năm 2007, tổng diện tích tre ra hoa đã lên tới 24.000 ha. Thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc kể từ sau cơn đại địa chấn Đường Sơn năm 1976 lại xảy ra. Vào hồi 14h 28 phút ngày 12 tháng 5 năm 2008; trận động đất mạnh 7,8 độ richter làm rung chuyển Tứ Xuyên; gần 70.000 người đã mất đi sinh mạng, 17.000 người mất tích; hơn 5 triệu người mất đi nhà cửa. Số liệu thực tế đến nay vẫn chưa thể thống kê chính xác.
Phân tích khoa học: Từ góc độ khoa học, việc tre nở hoa chỉ là một phần của chu kỳ sinh sản tự nhiên của cây. Việc tre chết sau khi nở hoa cũng là một quá trình tự nhiên để làm sạch môi trường và tạo điều kiện cho thế hệ tre mới phát triển.