Câu chuyện bên bàn cà phê của mấy “nam chiến hữu” những ngày cuối năm hóa ra là đau đầu vì vợ không chịu về quê chồng ăn tết.
Vợ ngại... đủ thứ!
Không kể hết những chàng trai thư sinh miền Bắc, miền Trung ngày nào vào Nam học tập, lập nghiệp giờ đã định cư nơi phương nam. Những cô dâu là người miền Tây, miền Nam quanh năm sống ở vùng nắng ấm bỗng nhiên lo lắng khi về quê chồng làm dâu với những đợt “rét đậm, rét hại” báo liên miên trên ti vi. Thế là họ “dùng dằng nửa ở nửa đi”.
Anh nói nhà anh cả tuần nay cơm nguội, canh lạnh, vợ chồng mặt nặng mày nhẹ vì anh háo hức về thăm quê, thăm ba mẹ già chừng nào thì chị “lần khân” chừng đó. Chị bảo em chịu lạnh không được, sợ về bệnh luôn. Nghe thế anh thấy thông cảm cho vợ nhưng khi chị “bồi” tiếp: “Em không đi có sao đâu? Để tiền vé máy bay, chi tiêu gửi hết cho ba mẹ cũng được kha khá. Anh thích cứ về. Em ở lại với má…” thì anh nổi giận! Vấn đề không phải là tiền mà là tình cảm cô hiểu không? Tết là dịp sum vầy cô hiểu không? Đàn ông con trai phải có trách nhiệm với gia đình, không biết nghe “tiếng gọi của tổ tiên” là vứt đi cô hiểu không?... Sau một loạt “cô hiểu không” của anh là hai vợ chồng ngủ hai phòng! “Cuộc chiến” ăn tết ở đâu chưa ngã ngũ...
Em ơi về quê anh... du lịch!
Nhưng cũng có gia đình chồng bắc vợ nam giải quyết ổn thỏa chuyện này. Vợ chồng anh Trung là một ví dụ. Hơn 10 năm nay, những ngày tết là ngày anh chị “du lịch về quê”. Trước đây chưa có con cái, anh hay đùa là đi hưởng tuần trăng mật lần thứ “n”. Khi có con cái, anh càng siêng về quê hơn và coi đó như một chuyến nghỉ ngơi của cả nhà.
Vợ anh Trung cũng khéo léo trong cư xử. Chị nói: “Mình... bắt con trai người ta cả năm, vài ngày tết để chồng mình làm nhiệm vụ trên đầu trên cổ chứ! Hơn nữa, về quê cùng chồng, con, chịu lạnh một chút nhưng cảm giác ấm áp khi thăm bà con, viếng mộ tổ tiên, tham gia các lễ hội ở đình làng, chùa quê, lúi húi cùng mẹ chồng chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên hay lắm chứ!”. Với con cái, dịp này nên để chúng “nhắm mắt” bớt với những trò chơi điện tử mà ngồi xuýt xoa cùng ông bà bên nồi bánh chưng, bánh tét cũng thật ý nghĩa...
Không nên “nặng nề hóa” việc về quê chồng ăn tết mà hãy coi đó như một chuyến du lịch là lời khuyên của anh Trung dành cho bạn mình trong buổi cà phê hôm đó và cũng chung cho những cô dâu... sợ lạnh, sợ mệt. Để khỏi vất vả chuyện đi lại, nên tùy vào khả năng của gia đình mà chọn phương tiện và đặt vé từ sớm, tránh cảnh chen lấn, mệt xỉu! Một vấn đề không nhỏ nữa là mấy ông chồng cần tâm lý hơn. Đừng có “em phải” mà nên “em ơi về cùng anh”! Các anh hãy là những “hướng dẫn viên” du lịch tuyệt vời để ngoài trách nhiệm, bổn phận làm dâu con, các chị còn được khám phá những điều hay, ẩm thực, cảnh đẹp của quê chồng...
Và điều cuối cùng vợ anh Trung cảnh báo: “Theo chồng... sát nút những ngày tết cũng là không cho chồng cơ hội gặp người xưa. Thế nên, cùng chồng lang thang trên đường quê ngày tết vẫn hơn là để chồng đi cùng một cô... cũ nào đó”.