Theo Nhân Dân và PLO, sáng ngày 31/7, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân mắc Covid-19 số 437 đang trong tình trạng nguy kịch, phải sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo).
BN 437 là nam 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Bệnh nhân tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 27/7.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến khu cách ly tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Các chuyên gia hàng đầu liên tục hội chẩn, hỗ trợ trực tiếp bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân này.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, trong một tuần, riêng ca này, các chuyên gia đã phải hội chẩn đến 5 lần. Bệnh nhân đã có những tổn thương nặng do phù phổi cấp, phải chạy ECMO và thở máy. Các thầy thuốc đang tập trung điều trị về đa kháng thuốc, lọc thận, chống nấm, chống đông máu và các biện pháp cận lâm sàng khác, theo dõi sát bệnh nhân từng giờ.
Ông Khuê nhận định, đây là bệnh nhân tiên lượng rất nặng, dè dặt, nặng nhất, nhiều bệnh nền nhất. Những ngày qua cố gắng cứu chữa, có nhiều lúc tưởng không qua khỏi.
Ngoài ra, còn gần 10 trường hợp khác đang có diễn tiến rất nặng, bao gồm: BN 416, BN 418, BN 428, BN 431, BN 436, BN 437, BN 438. Các bệnh nhân này đều đang được điều trị tại các bệnh viện tại Đà Nẵng.
Một số bệnh nhân tiên lượng nặng lên như BN 429, BN 426, BN 427, BN 430, BN 422, BN 433... Đa phần trong số đó là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị đề nghị các cơ sở y tế tập trung nguồn lực, dốc sức điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19, nỗ lực cao nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong của bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và rất nặng.
Tuy nhiên, PGS Khuê cũng nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế. Bởi cuộc chiến phòng, chống Covid-19 còn dài, trước tiên phải bảo vệ nhân viên y tế để có nhân lực điều trị cho bệnh nhân.