Bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng tê bì ở lưỡi, mất hết cảm giác dẫn tới tê môi, lưỡi, họng và mặt, tê cổ họng, nuốt vướng...
Tin tức trên Tri Thức Trực Tuyến cho hay, ngày 5/3, bà Phạm Thị Minh (58 tuổi, TP Thái Nguyên) có thái một lát củ ấu tàu cho vào rán. Ba phút sau, bà thấy tê bì lưỡi và các đầu chi, miệng, cổ họng, choáng váng tối sầm mặt.
Người phụ nữ phải nhập viện sau khi ăn củ ấu tàu. Ảnh: Bác sĩ cung cấp. |
Trao đổi trên báo Phụ nữ TP.HCM, bác sĩ Lê Duy Đạo, khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên cho biết nữ bệnh nhân Phạm Thị Minh được gia đình đưa đến trong tình trạng tê bì ở lưỡi, mất hết cảm giác dẫn tới tê môi, lưỡi, họng và mặt, tê cổ họng, nuốt vướng.
Ngoài ra, các đầu chi tê bì như kiến bò, buồn bã chân tay, da lạnh nổi gai ốc, hoa mắt chóng mặt, choáng váng, không ngồi được dậy, tức ngực, khó thở, tim nhịp chậm, huyết áp tụt.
Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ xác định bệnh nhân Minh bị sốc phản vệ do ăn củ ấu tàu.
Bác sĩ khuyến cáo khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu, người dân cần hết sức thận trọng, tuyệt đối không tự ý sử dụng. |
Hiện bệnh nhân Minh đang được truyền dịch, hỗ trợ thở oxy, rửa dạ dày do ngộ độc của ấu tàu.
Củ ấu tàu là rễ củ của cây ô đầu Việt Nam, tên khoa học là Aconitum fortunei. Cây thường mọc hoang ở vùng núi phía Bắc nước ta như: Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang… Củ ấu tàu thường được dùng trong Đông y làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc.
Trang Vũ (Tổng hợp)