Những phi cơ từng thống lĩnh bầu trời trong Thế chiến II nằm phơi nắng, mưa ở khu nghĩa địa dành cho máy bay lỗi thời ở bang Ohio, Mỹ.
Bộ ảnh của nhiếp ảnh gia 24 tuổi Jonny Joo cho thấy sức tàn phá của thiên nhiên và thời gian đối với những chiếc máy bay từng phục vụ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Những con chim sắt từng tung hoành trên các bầu trời chỉ còn là đống sắt vụn. Nhiều mảng kim loại trên thân và cánh máy bay rơi xuống mặt đất.
“Những chiếc máy bay là minh chứng của một giai đoạn lịch sử và tôi quyết định chụp hình chúng”, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi chia sẻ:
Khoảng 50 động cơ và 30 máy bay nằm ở nghĩa địa phi cơ tại bang Ohio, Mỹ.
Quân đội Mỹ loại chúng khỏi biên chế sau khi chúng phục vụ trong nhiều năm.
Khoang lái hoen rỉ của một chiếc máy bay. Lớp kính bao bọc buồng lái vỡ khiến nước mưa tràn vào và phá hủy những thiết bị bên trong khoang điều khiển.
Nghĩa địa máy bay như một kho sắt vụn bỏ hoang.
Nhiều máy bay hư hại tới mức người ta khó nhận ra hình thù ban đầu của chúng.
Chiếc máy bay ném bom tầm trung North American B-25 Mitchell còn khá nguyên vẹn. Nó từng là phi cơ đóng vai trò tích cực nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mỹ chế tạo gần 10.000 máy bay loại này từ năm 1941 tới năm 1979.
Máy bay F-86D Saber là một trong những phi cơ phản lực đầu tiên của Mỹ. Nó ra đời sau Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ hậu Thế chiến. Mỹ chế tạo 2.487 phi cơ loại này.
Xác một chiếc Boeing 707. Ngoài máy bay quân sự, nghĩa địa còn là nơi an nghỉ của những chiếc phi cơ dân sự.
Theo Hồng Duy (Trí thức trẻ)
Ảnh: Barcroft Media