Sau khi xác minh được nhân thân, nhiều người nhanh chóng nhận ra nhân vật chính của vụ túm cổ, lăng mạ CSGT khi đang thi hành nhiệm vụ vào ngày 17/7 hoá ra không phải là một cái tên xa lạ.
Bà Dương chỉ tay vào mặt chiến sĩ CSGT và buông lời lẽ lăng mạ khi bị nhắc nhở. Ảnh cắt clip |
Liên quan đến diễn biến sự việc nữ tài xế ô tô chửi bới, túm áo một chiến sĩ CSGT thuộc Đội CSGT Hàng Xanh (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an TP.HCM) xảy ra vào chiều 17/7 trên đường Ung Văn Khiêm.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an phường 25 (Quận Bình Thạnh) đã tới nhà, trực tiếp mời nữ tài xế có hành vi chửi bới, lăng mạ CSGT đến làm việc. Tại cơ quan công an, người phụ nữ này khai tên Trịnh Thị Thùy Dương. Bà Dương thừa nhận sai hoàn toàn khi có hành động và lời nói không đúng chuẩn mực, xác phạm chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ.
Giải thích cho hành động của mình, bà Dương cho biết, do trong ô tô đang chở nhiều trẻ nhỏ và bị kẹt xe nên nóng lòng, đã lấn sang làn đường bên trái để vượt lên. Khi bị CSGT nhắc nhở trở lại đúng làn đường, bà Dương đã không chấp hành, mở cửa xe bước ra chửi bới CSGT như nội dung phản ánh trong clip.
Cha bị tai biến sau phẫu thuật, bà Dương yêu cầu bệnh viện bồi thường. Ảnh: Dân trí |
Sau khi hình ảnh và cái tên Trịnh Thị Thuỳ Dương được làm rõ, nhiều người nhanh chóng nhận ra vị nữ doanh nhân trẻ này. Trước đó bà Dương đã cùng gia đình mình nổi đình đám từ 2016 bởi vụ kiện lịch sử đòi Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM bồi thường hơn 30 tỷ đồng sau khi cha mình - ông Trịnh Quang Sơn, một doanh nhân từ Nga về, Tổng giám đốc công ty Việt Nga gặp biến chứng sau phẫu thuật tại bệnh viện này.
Theo thông tin được biết, biến cố xảy ra sau phẫu thuật với cha bà Thuỳ Dương đã khiến công ty của gia đình bà lâm vào khó khăn khi phải bồi thường cho nhiều đối tác, tạm dừng dự án khu nghỉ dưỡng trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, phía Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM khẳng định, tai biến xảy ra với ông Trịnh Quang Sơn là khiếm khuyết thần kinh không phục hồi nằm trong tỷ lệ 4% đến 5% theo y văn và bác sĩ thực hiện đúng Luật khám chữa bệnh, phía bệnh viện cho rằng, yêu cầu bồi thường của gia đình người bệnh “không có cơ sở”.
Trước khi can thiệp, người bệnh và người được bệnh nhân ủy quyền là ông Nguyễn Đức Khỏe đã được tư vấn đầy đủ các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra, các bên liên quan đã đồng ý ký vào hồ sơ thực hiện thủ thuật. Sau khi tai biến xảy ra, bệnh viện đã làm tất cả những gì có thể, nhưng đến nay khiếm khuyết thần kinh không thể phục hồi, dự báo sẽ ngày càng xấu hơn trong thời gian tới.
Đây được xem là vụ kiện tụng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nền y tế Việt Nam.
Đức Hòa (tổng hợp)