(Tinmoi.vn) Nhiều gã trai có thừa tự ái để cầm dao đâm người chỉ vì bị “nhìn đểu”, nhưng lại chẳng đủ tự trọng để xấu hổ vì cách sống bê tha và hành động côn đồ của mình.
Thế nào là tự ái? Thế nào là tự trọng? Người giàu tự ái phải chăng đương nhiên cũng là người có lòng tự trọng cao? Có ý kiến cho rằng nhiều người Việt tuy tự ái có thừa nhưng tự trọng lại thiếu hụt, điều này liệu có đúng? Thay vì bàn luận dài dòng, chúng tôi xin đăng tải mỗi kỳ một câu chuyện nhỏ về vấn đề này, nhân vật trong những mẩu chuyện này tuy không đại diện cho tất cả người Việt nhưng cũng phản ánh chân dung của một bộ phận không nhỏ.
Người Việt thừa tự ái, thể hiện ở việc nhiều gã trai dễ dàng cầm dao đâm người chỉ vì bị “nhìn đểu” (ảnh minh họa) |
Chuyện rằng, có ông nhà giàu bữa nọ nhận được điện thoại của con trai cầu cứu. Cậu quý tử gây rắc rối to khi gọi bạn đến “xử” mấy gã choai choai khác, khiến 2 người “phe địch” bị thương. Cũng may nhà có điều kiện, ông bố bỏ ra một đống tiền để giải quyết êm chuyện, rồi lôi con trai về nhà hỏi tội. Cậu ấm giải thích: “Chúng nó xúc phạm đến lòng tự trọng của con, con phải lấy lại danh dự chứ!”. Hỏi xúc phạm thế nào, hóa ra cậu ấm cảm thấy bị người ta “nhìn đểu”, “cười đểu”, “bơm đểu”.
Cậu quý tử này, người tuy còi cọc xấu trai nhưng vẫn luôn có bên mình các mỹ nhân ngực nở da trắng bóc. Là thiếu gia khá có tiếng, cậu thậm chí chẳng cần chưng diện cho ra dáng trai nhà giàu, các em xinh đẹp vẫn tìm cách để được lọt vào mắt xanh. Ấy thế nhưng thiên hạ không phải kẻ nào cũng đủ thạo tin để biết ai là con cái nhà ai. Bởi vậy mà hôm đó, khi mang theo một chân dài lộng lẫy bước vào quán bar, chàng công tử ngay lập tức nhận được ánh mắt cười cợt, mỉa mai của đám thanh niên bàn bên.
Mấy gã kia thấy cậu ấm cô thế, sức vóc không được mấy hột nên được thể, mắt thì sục sạo trên người cô gái, miệng thì ném ra những câu kiểu “người đẹp và quái thú”, “hoa lài cắm bãi cứt trâu”… Cay mũi, cậu thiếu gia bèn móc điện thoại gọi người đến “rửa hận” để bảo toàn danh dự.
Lạ một cái là, cậu trai “tự trọng đầy mình” đến mức chỉ một cái nhìn cũng chịu không nổi, lại chẳng thấy vấn đề gì khi luôn nổi danh là học dốt, giỏi càn quấy, là nỗi xấu hổ của bố mẹ bởi thường xuyên phải muối mặt lên đồn công an “lĩnh” con về sau những trận đua xe… Những lúc ấy, chẳng thấy cậu ấm sôi sùng sục lên vì vấn đề danh dự.
Nếu vào Google và gõ từ “nhìn đểu”, lập tức bạn sẽ được đọc hàng loạt tin vụ án kiểu: “Án mạng cận Tết chỉ vì cái nhìn đểu”, “Giết người vì tưởng bị nhìn đểu”, “Bị nhìn đểu, đâm 2 người chết và bị thương trong đêm”… Những vụ đâm chém liên quan đến “nhìn đểu” đều đặn diễn ra ở cả ba miền, mà kịch bản luôn luôn là: Một hoặc vài anh chàng cảm thấy mặt nóng phừng phừng khi bắt gặp ánh mắt “không biết trời cao đất dày” của một người gần đó - có thể lạ hoặc quen và thế là nộ khí xung thiên.
“Mày dám nhìn đểu tao à?”, với câu hỏi này, nếu “kẻ nhìn đểu” biết điều mà xin lỗi, hoặc bào chữa một chút với thái độ “biết người biết ta” thì không sao, cùng lắm bị chửi ít câu hay cho vài quả đấm. Nhưng nếu anh ta cũng cảm thấy nín nhịn là mất danh dự mà trả lời: “Ừ tao nhìn đểu đấy, có sao không?” là lập tức đẩy đối phương vào cái thế phải ra tay để không bị chiến hữu coi thường. Thế là “dao trắng đâm vào, dao đỏ rút ra”, kẻ chết, người xộ khám.
Ngoài những án mạng khiến thiên hạ rùng mình sởn gai ốc, hằng ngày vẫn có vô số vụ ẩu đả nho nhỏ “trong dân gian” cũng chỉ vì cái nhìn. Rời khỏi cuộc đọ nắm đấm, cho dù bị đánh thâm tím mình mẩy hay đã dạy được cho đối phương một bài học, họ đều hất mặt lý giải về chuyện dùng bạo lực của mình rằng, đại trượng phu thà chết chứ không chịu nhục, không thể để kẻ kia làm mình mất mặt được.
Nhưng rất nhiều trong số những “đại trượng phu” coi thể diện lớn hơn trời ấy, hằng ngày vẫn khiến thiên hạ coi thường bởi hành vi ứng xử vô văn hóa, nói tục chửi bậy, vứt rác sang nhà hàng xóm, hay gây gổ, đánh nhau, nghiện hút, cờ bạc… Có anh hôm trước mặt cúi gằm khi bị đầu gấu đến nhà đập phá đòi trả tiền thua cá độ, bố mẹ phải bán vàng để trả, hôm sau đã bạt tai cậu hàng xóm dám “nhìn đểu” anh ta ở quán cháo lòng.
Có phải là lòng tự trọng của những người đó cao hơn những người khác không? Chắc chắn là không. Ở họ, tự ái tuy cao ngút trời nhưng tự trọng hình như hơi ít ỏi. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng quả thật, hai khái niệm đó không phải lúc nào cũng tồn tại theo tương quan tỷ lệ thuận.
Người tự ái thường chỉ quan tâm đến cái thể diện bề ngoài, đến chuyện cái tôi của mình được vuốt ve, còn người tự trọng nghĩ đến phẩm chất, giá trị thực sự của bản thân. Vì thế khi nhận một phản ứng tiêu cực, người tự ái sẽ sửng cồ lên, tìm mọi cách từ lý sự cùn đến nắm đấm để bảo vệ “mặt mũi” của mình, bất kể đúng hay sai, còn người tự trọng lại quan tâm đến việc nhìn lại bản thân xem có thật mình đã làm điều gì đó khiến người khác coi thường hay không. Tự ái và tự trọng, vì thế, có thể không cùng “cư trú” trong một con người.
Phạm Ngọc