Trong bài phỏng vấn trên báo Gia đình Việt Nam, lý giải về việc mưa đá thường xảy ra tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, mưa đá hình thành bên trong những đám mây đối lưu, bao gồm các hạt băng (nước đá) trong suốt hoặc không trong suốt có kích thước khác nhau, nhỏ như hạt đậu hay to như quả bưởi.
Nói về nguyên nhân không dự báo được chi tiết các trận mưa đá, cơ quan dự báo khí tượng cho biết, dấu hiệu sắp có mưa đá cũng gần giống như nhận biết các trận mưa rào mạnh trong các ổ mây dông mạnh. Nếu thấy trời nổi dông, gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, rồi dông, gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì hãy cảnh giác với mưa đá.
Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào và cảm thấy nhiệt độ Không khí lạnh đi nhanh chóng, có thể mưa đá sẽ xảy ra. Tuy nhiên, đây chỉ là những dấu hiệu chỉ ra khả năng sắp có mưa đá. Thực tế rất khó nhận biết và dự báo khi nào sẽ có mưa đá.
Mưa đá thường hình thành trong các tháng chuyển tiếp giữa thời tiết lạnh sang nóng hoặc giữa nóng sang lạnh (tháng 3,4,5,6 hoặc tháng 8,9,10 và 11).
Dự báo thời tiết hôm nay 25/3, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do ảnh hưởng của hội tụ trong đới gió tây trên cao. Trong ngày hôm nay, ở các tỉnh Bắc bộ và bắc Trung bộ có mưa rào và giông.
Lượng mưa phổ biến 10 - 30 mm/24g giờ, riêng vùng núi có nơi mưa to đến rất to lượng mưa 30 -60 mm/24 giờ. Trong cơn giông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá ở cấp 1.