Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5 mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào.
Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 - 30 phút.Hiện tượng này thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Vì vậy ở Việt Nam mưa đá có thể xảy ra ở khắp các vùng miền.
Mới đây, vào khoảng 20 giờ tối 7/2, một cơn mưa đá kéo dài khoảng 15 phút đã xảy ra tại các địa điểm là Chăn Nưa (Sìn Hồ), Nậm Pì (Nậm Nhùn),... thuộc tỉnh Lai Châu. Từ hình ảnh được chia sẻ cho thấy viên đá to gần bằng viên bi, trắng xóa cả đường.
Mưa đá có thể sẽ tiếp tục xuất hiện do khí lạnh tràn về. Theo trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng 8/2, một bộ phận Không khí lạnh vẫn đang di chuyển xuống phía Nam. Mưa rào, dông, mưa vừa hoặc mưa to có thể diễn ra ở khu vực Tây Bắc và Việt Bắc.
Nhiều khả năng có thể xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh, người dân cần hết sức đề phòng. Khu vực Bắc Bộ sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông, trong cơn dông có thể có lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh từ đêm 8-9/2 do không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000m.
Ngày mai, 9/2, trời chuyển rét tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nền nhiệt thấp nhất khoảng 13-16 độ C, riêng vùng núi có thể chỉ 10-13 độ C. Vì vậy người dân tại các khu vực này cần chủ động theo dõi thông tin thời tiết, chuẩn bị thêm quần áo ấm để đảm bảo sức khỏe của mình.