Cấp Hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử từ ngày 1/3
Kể từ ngày 1/3, Bộ Công an sẽ triển khai cấp Hộ chiếu phổ thông gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam.
Hộ chiếu gắn chíp điện tử có tính bảo mật hơn hộ chiếu giấy thông thường, bảo vệ người mang hộ chiếu trước nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân; tránh tình trạng bị làm giả, không có việc định vị theo dõi.
Hình thức của hộ chiếu gắn chíp điện tử cơ bản giống với hộ chiếu không gắn chíp điện tử với bìa màu xanh tím than, các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam. Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả và đạt tiêu chuẩn ICAO.
Siết chặt quản lý việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ
Chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3, Thông tư 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ.
Theo đó, đơn vị được Ban tổ chức lễ hội giao thực hiện tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội có trách nhiệm mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Về tiếp nhận tiền mặt, cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.
Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội đã tiếp nhận.
Tăng mức bồi dưỡng cho người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm
Thông tư 24/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.
Mức bồi dưỡng này hiện được chia theo 04 mức, giá trị của mỗi suất được xác định như sau:
Mức 1 là 13.000 đồng/người/ngày (tăng 3.000 đồng/người/ngày)
Mức 2 là 20.000 đồng/người/ngày (tăng 5.000 đồng/người/ngày)
Mức 3 là 26.000 đồng/người/ngày (tăng 6.000 đồng/người/ngày)
Mức 4 là 32.000 đồng/người/ngày (tăng 7.000 đồng/người/ngày)
Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với chấp hành viên
Thông tư số 10/2023/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 16/3, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học đối với chấp hành viên.
Đối với chấp hành viên sơ cấp, trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư số 10/2023/TT-BQP; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.
Chấp hành viên cao cấp, ngoài tiêu chuẩn theo quy định trên phải có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định.