Đủ điểm để vào học tại các trường công an nhưng những thí sinh này đã bị từ chối do vướng lí lịch gia đình.
Thí sinh Nguyễn Như Quỳnh (19 tuổi, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn) thi THPT quốc gia với điểm Văn 9; Lịch sử 8,5; Địa lý 9,5 và 3,5 điểm ưu tiên. Với tổng điểm 30,5, Quỳnh đăng ký dự tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân.
Ngay sau khi nộp hồ sơ, nữ sinh nhận được thông báo từ Công an tỉnh Lạng Sơn rằng không đủ tiêu chuẩn chính trị vào ngành do án tích của bố. Theo Quỳnh, năm 1994, bố cô bị Tòa án Bộ tư lệnh quân khu I xử 12 tháng tù treo do tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép. Năm 1995, ông được xóa án tích rồi lập gia đình.
Đơn cầu xét của thí sinh Quỳnh. Ảnh: Zing.vn |
“Trong bản tự khai khi sơ tuyển, em đã ghi đầy đủ nội dung về án tích của bố, không giấu diếm điều gì”, Quỳnh nói. Năm ngoái, Quỳnh theo học hệ dân sự tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, biết điểm thi THPT quốc gia em đã nộp đơn thôi học vì nghĩ mình chắc chắn đỗ Học viện An ninh Nhân dân nhưng không ngờ lại bị từ chối vì vướng lí lịch.
Tương tự, nữ sinh Tô Thị Đệ (20 tuổi, xã Tú Đoạn, Lộc Bình, Lạng Sơn) trong 3 năm liên tiếp 2014-2016 đăng ký nguyện vọng vào các trường công an. Kỳ thi THPT quốc gia 2016, em được 26,5 điểm (Văn 8,25; Sử 9,25 và Địa lý 9), cộng 3,5 điểm ưu tiên là 30 điểm, Đệ tự tin đỗ Học viện Cảnh sát Nhân dân.
Mới đây Đệ cũng nhận được thông báo của công an huyện rằng không đủ điều kiện theo học tại các trường công an do thiếu trung thực trong khai lý lịch. Theo gia đình nữ sinh Đệ, trước đây ông nội bị cho là theo giặc Pháp, nhưng em và gia đình không hay biết chuyện này.
"Ông bà nội em lấy nhau năm 1954, khi bố được 5 tuổi thì ông mất nên cả bà nội và bố đều không biết trước đó ông làm gì. Đem chuyện này hỏi người thân và các cụ cao niên trong làng, mọi người đều không biết trước đó ông em làm gì cho Pháp", Đệ chia sẻ.
"Đây là năm thứ 3 em thi vào các trường công an. Hai năm trước em vẫn đủ điều kiện xét tuyển nên khi nhận được thông báo em hoàn toàn bất ngờ. Nếu không đủ tiêu chuẩn thì công an huyện nên thông báo từ đầu để em không nuôi hy vọng, tốn nhiều thời gian như vậy", Đệ tâm sự.
Đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn cho hay, sau khi thẩm tra lý lịch, đối chiếu theo quy định thì thí sinh Tô Thị Đệ không đủ điều kiện vào ngành. Phía công an tỉnh đã thông báo đến tất cả thí sinh không đủ điều kiện để các em nộp hồ sơ sang trường khác.
Trước đó, nữ sinh Trần Hương Ly (sinh năm 1997, nguyên học sinh lớp 12A8, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An) đạt 26,5 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 (Toán: 9; Tiếng Anh: 9,5; Ngữ văn 7,5) cũng không được xét hồ sơ vì án tích của mẹ. Mẹ nữ sinh là Hoàng Thị Ngân, bị xử tù treo về tội sản xuất hàng giả, sau đó đã được xóa án tích.
Trong mùa tuyển sinh 2016, một số thí sinh cũng không trúng tuyển các trường trong ngành công an vì sai lý lịch. Trong đó, có trường hợp của thí sinh Bùi Kiều Nhi (trú xã Đức Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) đạt 29 điểm vì án tích của bố.
Nhi dự thi khối C được 27,5 điểm, trong đó Văn 8,75, Sử 9 và Địa 9,75, tính cả điểm được ưu tiên khu vực 1,5 điểm là 29 - vừa đủ điểm chuẩn dành cho thí sinh nữ thi vào Học viện Chính trị Công an nhân dân. Tuy nhiên, ngày 1/9 Nhi nhận được công văn của công an huyện Tuyên Hóa thông báo không đủ điều kiện nhập học. Thông báo ghi rõ Bùi Kiều Nhi không ghi vào lý lịch tự khai có bố từng chịu án tù. Vì sự "không trung thực" này nên em không đủ điều kiện nhập học trường trong ngành công an.
Sau khi nhận được thông báo từ nhà chức trách, Nhi vẫn khao khát được học trường công an nên không gửi hồ sơ xét tuyển vào trường khác. Em đã viết thư gửi Bộ trưởng Giáo dục và Bộ Công an, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp ở nhiều cơ quan.
Sau đó, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân dựa trên cơ sở báo cáo của Công an tỉnh Quảng Bình và có xem xét, đối chiếu với tiêu chuẩn chính trị, quy định của Bộ Công an đã thống nhất "chiếu cố" tiêu chuẩn chính trị để em Bùi Kiều Nhi được đỗ vào Học viện Chính trị Công an nhân dân.
Xem thêm video:
[mecloud]kILgIWc7vj[/mecloud]
Lê Vy (tổng hợp)