Ở thế kỷ 21, phụ nữ Việt Nam đã chứng tỏ được vị thế, tài năng của mình trong xã hội và gia đình. Đây là sự kế thừa và phát huy truyền thống của các bà, các mẹ ngày xưa. Chắc chắn mỗi người con đất Việt ai cũng sẽ từng nghe đến những nữ anh hùng đã vang danh sử sách dưới đây.
Hai Bà Trưng - Nữ vương đầu tiên của dân tộc
Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị (còn có tên gọi quen thuộc là Hai Bà Trưng) là thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa chống quân Hán xâm lược. Sử sách kể lại, vào năm 40 sau Công nguyên, chồng của bà Trưng Trắc là ông Thi Sách bị Thái thú (quan cai trị của nhà Hán) Tô Định sát hại. Hận nước, thù nhà, bà Trưng Trắc cùng em gái sinh đôi là Trưng Nhị đã dựng cờ khởi nghĩa tại Mê Linh với lời thề:
"Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kêu oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lệnh này".
Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã quét sạch quân Nam Hán và được suy tôn lên làm vua, trị vì đất nước trong 3 năm. Sau đó, nhà Hán đã sai Mã Viện đem quân tái xâm lược nước ta. Sau nhiều trận đánh anh dũng, hai bà đã hy sinh vào mùa hè năm 43 sau Công nguyên. Hai Bà Trưng trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam từ bao đời nay. Cho đến tận bây giờ, những phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà vẫn luôn tự hào là con cháu của hai bà.
Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) - Thủ lĩnh chống Đông Ngô
Nhắc đến những nữ anh hùng chống xâm lược, không thể quên bà Triệu. Khi giặc Đông Ngô xâm lược nước ta, Bà Triệu cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt đa dựng cờ khởi nghĩa trên núi Nưa, vùng Nông Cống, Triệu Sơn, Thanh Hóa ngày nay. Hai anh em bà lập căn cứ, ngày đêm mài gươm, luyện võ để chờ ngày đánh đuổi giặc thù. Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu bùng nổ năm 248, được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt và nhanh chóng lan rộng. Ngày nay, khi nhắc đến khí thế lúc ra trận của nữ tướng Triệu Thị Trinh, người đời vẫn truyền nhau câu ca dao:
Có coi lên núi mà coi,
Coi bà quản tượng cưỡi voi bành vàng
Sau khi anh trai tử trận, Bà Triệu tiếp tục một mình lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Thế lực và chiến thắng của nghĩa quân ngày một vang dội. Lúc này, vua Ngô đã cử danh tướng Lục Dận sang làm thứ sử Giao Châu và mang quân tiếp viện sang để đàn áp khởi nghĩa. Trước sự mưu mô xảo quyệt của Lục Dận, quân khởi nghĩa dần bị suy yếu và tan vỡ. Cuối cùng, Bà Triệu đã rút về núi Tùng Sơn, quỳ xuống vài trời đất: ""Sinh vi tướng, Tử vi thần" (Sống làm tướng, chết làm thần) sau đó rút gươm quyên sinh. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng Bà Triệu vẫn được nhân dân tôn sùng và là một dấu son sáng ngời trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Bùi Thị Xuân - Tướng lĩnh trụ cột của nhà Tây Sơn
Bùi Thị Xuân sinh trưởng trong một gia đình khá giả tại Tây Sơn, Bình Định. Từ nhỏ, bà đã được cho học văn võ nhưng lại có niềm đam mê với võ nghiệp hơn. Về sau, bà làm quan cho triều Tây Sơn và đã hết lòng vì triều đình. Năm 1785, Bùi Thị Xuân cùng chồng là Trần Quang Diệu đánh tan 20 vạn quân Xiêm La tại trận Rạch Gầm - Xoài Mút, lập đại công. Năm 1789, bà lại chỉ huy đội tượng binh do vua Quang Trung chỉ huy để đại phá quân Thanh. Sau đó, nữ tướng này còn cầm quân đánh đông, dẹp bắc, đập tan các phe phái chống đối triều đình lúc bấy giờ. Tuy nhiên, kể từ sau khi vua Quang Trung qua đời, nhà Tây Sơn bắt đầu lục đục suy yếu. Về sau, gia đình bà Bùi Thị Xuân đã nhận kết cục vô cùng đau lòng khi nhà Nguyễn quay lại trả thù.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ
Mẹ Thứ là biểu tượng vĩnh hằng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người đã cống hiến, hy sinh vô bờ bến cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Mẹ sinh năm 1904, là người xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bất cứ người dân Việt Nam nào cũng biết đến câu chuyện của mẹ Thứ, một người mẹ với 12 người con (11 con trai và 1 con gái) thì 9 con trai đã hy sinh. Con rể và 2 cháu ngoại của mẹ cũng là liệt sĩ. Như vậy, gia đình mẹ Thứ có đến 12 liệt sĩ.
Có thể nói mẹ Thứ đã mang nhiều nỗi đau và sự hy sinh cho Tổ quốc mà hiếm người mẹ nào trên thế giới này làm được. Năm 2015, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được dựng lên tại xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam. Đây là công trình được lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ. Bức ảnh chụp mẹ Thứ bên mâm cơm với 9 bộ bát đũa đã trở thành hình ảnh biểu tượng của các mẹ Việt Nam anh hùng.
Nguyễn Thị Định - Nữ tướng duy nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Định tham gia hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi và được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương năm 18 tuổi. Vào tháng 8/1945, bà trực tiếp tham gia giành chính quyền tại TX Bến Tre trong cuộc Tổng khởi nghĩa. Năm 1946, người phụ nữ nhỏ bé này đã chỉ huy tàu "không số" chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc vào Nam để chi viện cho chiến trường miền Nam, tạo tiền đề cho sự hình thành của đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ về sau.
Năm 1960, bà Nguyễn Thị Định cùng các cán bộ chủ chốt tại tỉnh Bến Tre đã phát động tuần lễ đồng lòng nổi dậy, mở đầu cho phong trào Đồng khởi Bến tre. Tấm gương của bà là động lực cho "đội quân tóc dài" Bến Tre trong các phong trào "Đồng khởi mới" sau giải phóng.
Từ năm 1961 - 1975, bà Nguyễn Thị Định là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Khu VIII và giữ các chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hội LHPN Giải phóng miền Nam, Phó tư lệnh các lực lượng Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1974, bà được phong quân hàm thiếu tướng.
Võ Thị Sáu (1933-1952) - Nữ anh hùng huyền thoại vùng Đất Đỏ
Cuộc đời chị Võ Thị Sáu có thể được gói gọn trong những vần thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn mà rất nhiều thế hệ người Việt Nam từng được học và thuộc:
Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười
Ngắt một đóa hoa tươi
Chị cài lên mái tóc
Đầu ngẩng cao bất khuất
14 tuổi, chị Võ Thị Sáu gia nhập Việt Minh, tham gia đội công an xung phong và luôn hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế mà tổ chức giao phó. Sau đó, người con gái "trẻ măng" bắt đầu thực hiện hàng loạt vụ ném lựu đạn, ám sát kẻ thù. Tháng 2/1950, chị Võ Thị Sáu bị bắt khi đang thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các chỉ điểm viên của Pháp. Chị bị giam tại nhà tù Đất Đỏ và bị tra tấn dã man. Sau đó, chị bị chuyển đến nhà tù Côn Đảo. Đến năm 1952, chị bị thực dân Pháp hành hình. Vào giờ phút ra pháp trường, chị Sáu đã yêu cầu không bị mắt để được nhìn thấy đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng. Sau đó, chị hát Tiến quân ca và hô vang: "Đả đảo bọn thực dân Pháp. Việt Nam độc lập muôn năm. Hồ Chủ tịch muôn năm!”.
Còn rất nhiều những nữ anh hùng, những tấm gương chói lòa trong kháng chiến và xây dựng tổ quốc. Chúng ta sẽ không bao giờ quên bà Nguyễn Thị Chiên, Nữ anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bà Ngô Thị Tuyển, nữ anh hùng 19 tuổi vượt mưa bom bão đạn để vác hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể. Bà Võ Thị Thắng, điển hình của phong trào Học sinh - Sinh viên chống chế độ chính quyền Sài Gòn... Truyền thống "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang" của các bà, các mẹ chắc chắn sẽ được phụ nữ Việt Nam hiện đại kế thừa và phát huy.