Kẹo cao su có độ dính và đàn hồi cao, là món ăn vặt được nhiều người yêu thích. Nhiều người có thói quen nhai kẹo cao su để tập trung hơn trong công việc. Tuy nhiên, không ít người do vô tình mà trót nuốt kẹo cao su.
Theo nhiều lời đồn đại cho rằng nếu nuốt nhầm kẹo cao su, chúng có thể sẽ dính ruột hoặc làm tắc nghẽn trong ruột. Thậm chí nhiều người còn cho rằng kẹo cao su có thể tồn tại trong đường tiêu hóa tới… 7 năm.
Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Thành phần chính của kẹo cao su giống như chất xơ có trong rau và hạt. Cơ thể chúng ta không sản xuất các enzym tiêu hóa để phá vỡ chúng và do đó nó vẫn còn nguyên vẹn ngay cả trong dạ dày của chúng ta.
Bởi vậy, nếu nuốt nhầm kẹo cao su, cơ thể bạn sẽ phản ứng giống với bất kì loại thực phẩm nào khác mà bản thân ăn, chính là di chuyển chúng qua hệ tiêu hóa và được loại bỏ khỏi cơ thể qua phân.
Nhiều người tin rằng kẹo cao su có thể dẫn đến tắc nghẽn trong ruột. Đây là sự thật, nhưng tình trạng này diễn ra vô cùng hiếm. Nếu một người nuốt một lượng lớn kẹo cao su và thậm chí đang bị táo bón, nó có thể dẫn đến tắc nghẽn đường ruột với trẻ em. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ bị mắc chứng "tắc ruột" sau khi nuốt nhiều miếng kẹo cao su sẽ có biểu hiện nôn, táo bón, đau dữ dội.
Thông thường, con người mất khoảng 40 giờ đến vài ngày để đường tiêu hóa loại bỏ kẹo cao su ra khỏi cơ thể. Nguyên nhân là bởi kẹo cao su di chuyển chậm hơn các loại thức ăn khác trong đường tiêu hóa của chúng ta.
Nếu lỡ nuốt kẹo cao su, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, đầu tiên bạn nên cho bé uống thật nhiều nước (nhất là nước ion kiềm) và ăn cháo với rau cắt nhỏ, tránh để rau nguyên cọng và nên chọn loại rau nhiều chất xơ.
Nếu nuốt phải kẹo cao su mà bị táo bón, 2–3 ngày đi vệ sinh/lần thì khả năng bị tắc ruột khá cao. Bạn hãy cho trẻ ăn chuối và đu đủ. Nếu thấy trẻ đau bụng, không đi cầu, không đánh rắm được thì phải đến ngay bệnh viện kiểm tra.