Bài viết này sẽ nói về điều kiện sau khi nghỉ hưu của quan lại Trung Quốc thời phong kiến. Ở một số triều đại, sau khi nghỉ hưu, quan lại được hưởng chế độ khiến người ta thèm muốn.
Sau khi nghỉ hưu, các quan lại thời cổ đại không chỉ được hưởng lương hưu mà còn nhiều thứ khác. Hệ thống nghỉ hưu đã được thiết lập từ rất sớm, vào thời kỳ nhà Chu, theo quy ước phổ biến là "Đại phu thọ đến 70 tuổi thì nghỉ hưu". "Nghỉ hưu" ở đây cũng giống như thời hiện đại. Nhưng thực tế, tuổi thọ trung bình của mọi người thời đó rất ngắn, nghỉ hưu ở tuổi 70 tương đương với làm việc suốt đời. Chỉ có một số ít quan lại sống đến 70 tuổi mới nghỉ hưu.
Đến thời Hán, điều kiện "nghỉ hưu" đã trở nên linh hoạt hơn. Nếu có bệnh tật hoặc già cả thì quan lại có thể xin "nghỉ hưu". Điều kiện sau khi nghỉ hưu cũng rất đặc biệt, họ có thể nhận được 1/3 lương cũ. Nếu có công lao lớn thì thậm chí có thể hưởng lương cũ. Khi nghỉ hưu còn được nhận thưởng một lần gồm: vàng, nhà cửa, xe ngựa, thực phẩm... nhìn chung hậu đãi rất tốt.
Đến thời nhà Đường, việc nghỉ hưu của quan lại trở nên nhân văn hơn, không cần đến 70 tuổi mà yếu đuối, ốm đau vẫn có thể nghỉ. Nhưng điều kiện nghỉ hưu nhà Đường lại không như các triều đại trước. Nếu không có sắc lệnh đặc biệt, quan chức nghỉ hưu không được hưởng lương. Nghĩa là nếu không được hoàng đế chấp thuận, quan chức nhà Đường sau khi nghỉ hưu không có lương để nhận, chỉ có thể được một ít đất đai dưỡng già.
Sau thời Minh, thời gian nghỉ hưu được thay đổi, sửa tuổi nghỉ hưu thành 60. Đến thời Minh Hiếu Tông, quy định sửa thành "quan chức tự nguyện nghỉ hưu, bất kể tuổi tác đều được phép". Như vậy, hệ thống luật pháp thời này đã cho phép quan chức xin nghỉ hưu và về quê, tuổi nào cũng được chấp thuận. Điều kiện sau khi nghỉ hưu của quan chức nhà Minh cũng rất hậu đãi. Quan chức trung ương được hưởng nửa lương cũ, quan chức địa phương có thể xin chính quyền tùy theo tình hình cá nhân.
Sau khi nghỉ hưu, các quan lại cổ đại không chỉ nhận được lương hưu. Nếu họ tham gia các sự kiện trang trọng như tiệc tùng, lễ hội... thì vẫn được hưởng các điều kiện và đãi ngộ như khi đương chức. Hơn nữa, sau khi nghỉ hưu, hầu hết các quan chức cổ đại sẽ mở lớp tại các trường tư thục địa phương, vẫn tiếp tục tỏa sáng và cống hiến cho đời. Thời cổ đại, việc làm nhà giáo được tôn trọng rất nhiều.
Quan lại nghỉ hưu không chỉ có thu nhập dồi dào mà có thể làm nông, dạy học, hoặc sống ẩn dật trong rừng núi. Cuộc sống bình yên của họ khiến nhiều người ở thời hiện đại mơ ước.