Thời phong kiến cổ đại, được làm quan lại của triều đình là niềm khao khát của hàng triệu người dân. Và lẽ dĩ nhiên, không phải ai cũng được làm quan, được gặp hoàng đế. Vào thời xưa, hàng triệu đàn ông phải nỗ lực học hành chăm chỉ để đi thi tú tài, nhằm có được một chức quan để cuộc sống ấm no, được báo hiếu cha mẹ, tổ tiên.
Bất cứ triều đại nào trong lịch sử phong kiến Trung Quốc cũng đều có hệ thống quan lại với cao đến thấp. Việc làm quan là một lẽ nhưng mức lương mà quan lại các triều đại Trung Quốc nhận được cũng khiến nhiều người tò mò. Theo Chinatimes, mỗi triều đại lại có hệ thống lương bổng khác nhau cho quan lại. Trong đó, quan lại thời nhà Tần được trả mức lương bổng rất hậu hĩnh. Tuy nhiên, có một triều đại, quan lại chỉ có cơ hội nhận tiền thưởng thay vì được trả lương bổng.
Nhà sử học Trung Quốc - Trương Hoành Kiệt cho biết, hiện nay, các ghi chép chi tiết về lương bổng của các quan chức thời nhà Tần đã không còn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các chuyên gia, người ta có thể khẳng định được rằng mức lương bổng của quan lại nhà Tần rất "hậu hĩnh". Theo đó, quan lại nhà Tần dược hoàng đế trả lương bổng rất hào phóng, do đó rất nhiều người muốn có được một chức quan để có cuộc sống không lo cơm ăn áo mặc.
Tương tự như vậy, quan lại từ cấp cao đến trung thời nhà Hán, đặc biệt là quan lại có chức vụ cao trong triều đình, chỉ "dưới một người trên vạn người" có mức thu nhập đặc biệt cao. Nhờ đó, cuộc sống của họ rất dư dả, sung túc. Không chỉ lo được cho gia đình mà những quan lại này có thể lo được cho cả dòng họ của mình.
Vì vậy, ở thời Tây Hán, những quan lại cấp cao và cấp trung làm việc rất tận tụy với triều đình. Tuy nhiên, việc phân biệt lương bổng của hệ thống quan lại cũng gây ra nhiều phiền toái. Theo đó, quan lại cấp cao ở triều đình và quan lại cấp thấp ở huyện như huyện lệnh, tri phủ,... mức thu nhập lại rất hạn chế, mức lương bổng rất thấp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều quan lại cấp huyện tham nhũng, ăn chặn tiền bạc.
Vào thời nhà Ngụy, nhà Tấn và Nam Bắc triều, mức lương bổng của quan lại được chia theo cách rất đặc biệt. Bắc Ngụy là một triều đại đặc biệt vì không trả lương cho quan lại. Vào thời kỳ đó, vị tướng lĩnh, quan lại nào giành được chiến thắng nhiều nhất trên các chiến trường mới được chia tiền thưởng. Phần thưởng chủ yếu là đất đai, một chức quan lớn và thê thiếp. Chính điều này đã dẫn đến khủng hoảng vì thu nhập của các quan lại triều Bắc Ngụy rất bấp bênh.
Vào thời kỳ đầu của triều đại Bắc Ngụy, nhiều quan chức địa phương bắt đầu phạm tội tham nhũng vì không có lương bổng. Phải tới khi Bắc Ngụy Hiếu Văn Đế lên ngôi và tiến hành cải cách, hệ thống lương bổng được xây dựng thì nạn tham nhũng mới chấm dứt. Giáo sư Trương cũng tiết lộ, thời kỳ đầu nhà Nguyên hay nhà Thanh cũng không có hệ thống tiền lương cho quan lại. Đây là đặc điểm chung trong quá trình trỗi dậy của các dân tộc ở phía Bắc Trung Quốc.
Ở hai triều đại nhà Đường và nhà Tống, tuy lương của các quan lại cấp thấp không quá cao nhưng lương bổng của quan chức cấp cao và trung đều rất ổn định. Đơn cử như trường hợp của Bạch Cư Dị thời Đường và Âu Dương Tu thời Bắc Tống, cuộc sống rất nhàn nhã, sung túc.
Tuy nhiên, đến thời nhà Minh, nhà Thanh mức lương bồng của quan lại thấp hơn 2/3 so với các triều đại trước. Đời sống của quan lại, đặc biệt là quan lại thanh liêm không được đảm bảo. Đây cũng là lý do khiến hai triều đại nhà Minh và Thanh có nhiều quan lại tham nhũng nhất.