Đúng 10h20 sáng nay (23/10), Quốc hội đã tiến hành bỏ phiếu kín để bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Sáng nay (23/10), ngày làm việc thứ 2 tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.
Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Tiến Tuấn
Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu và Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình của Chủ tịch Quốc hội về dự kiến nhân sự thành viên Ban kiểm phiếu.
Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Trưởng Ban kiểm phiếu Bùi Văn Cường sau đó đã phổ biến thể lệ bỏ phiếu.
Đúng 10h20, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín. Trong khoảng hơn 5 phút, các đại biểu đã bỏ phiếu xong và Trưởng ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường mời các thành viên vào làm việc.
Dự kiến vào 15h chiều nay, Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước. Sau đó, tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức.
Nghi lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam và trên sóng VOV1 của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chiều qua, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho hay, qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp 6, cá nhân ông thấy cử tri rất ủng hộ phương án nhân sự Chủ tịch nước do Ban chấp hành TƯ giới thiệu.
"Giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để QH bầu làm Chủ tịch nước là thoả mong ước của cử tri, nhân dân cả nước. Nhiều ĐB cũng mong muốn như thế. Tôi tin QH sẽ đồng tình, ủng hộ cao", trên VietNamNet dẫn lời ông Phương nói.
Theo ông Phương, việc người đứng đầu Đảng, cũng đứng đầu Nhà nước sẽ tạo ra nhiều thuận lợi, nhất là trong công tác đối ngoại.
Ông cũng cho hay, thời gian qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn rất lớn, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.