Tiếp tục chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa Cuba, sáng 29/3 (giờ địa phương), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm trường Đại học Tổng hợp La Habana và nói chuyện với các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể học sinh nhà trường với chủ đề: "Phát triển bền vững, thực hiện công bằng xã hội, nhìn từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam."
Tổng Bí thư dự Lễ trao bằng Tiến sỹ Danh dự khoa học Chính trị của Trường Đại học Tổng hợp La Habana. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tại đây, Trường Đại học Tổng hợp La Habana đã tổ chức trọng thể Lễ trao Bằng Tiến sỹ danh dự chuyên ngành khoa học chính trị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ghi nhận những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam, cũng như sự chia sẻ về lý luận và thực tiễn của đồng chí dành cho Cuba.
Sự kiện được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia của Cuba.
Cùng tham dự có đồng chí Miguel Díaz-Canel Bermudez, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Cuba; nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành của Cuba.
Trường Đại học Tổng hợp La Habana là trường đại học lâu đời, nổi tiếng nhất của Cuba và hàng đầu ở Mỹ Latinh, với lịch sử hình thành và phát triển 290 năm qua, gắn liền với lịch sử Cuba và những tên tuổi tiêu biểu của Cách mạng Cuba, đặc biệt là Lãnh tụ Fidel Castro.
Đại học Tổng hợp La Habana cũng gắn bó với nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước đến tận hôm nay.
Nhân kỷ niệm 290 năm Ngày thành lập Trường (1/1728-1/2018), Tổng Bí thư gửi đến tất cả các thấy, cô giáo, các bạn sinh viên tình cảm đồng chí, anh em sâu đậm và những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất.
Tổng Bí thư bày tỏ vinh dự và chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu Trường đã trao tặng Bằng Tiến sỹ danh dự chuyên ngành khoa học chính trị của Trường; coi đây là biểu hiện sinh động của tình cảm hữu nghị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba dành cho Việt Nam.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư chân thành cảm ơn Trường Đại học Tổng hợp La Habana đã giúp đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam, trong đó nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo hoặc những chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực sản xuất, nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Thực tiễn đổi mới ở Việt Nam
Trong không khí chân tình, cởi mở, Tổng Bí thư trao đổi, chia sẻ về những cố gắng, nỗ lực tìm tòi của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề này trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Phát triển bền vững và thực hiện công bằng xã hội có mối quan hệ hữu cơ biện chứng với nhau, tác động qua lại lẫn nhau.
Công bằng xã hội bảo đảm và phản ánh mức độ phát triển bền vững; ngược lại phát triển bền vững là điều kiện có ý nghĩa nền tảng, bảo đảm thực hiện công bằng xã hội.
Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển bền vững và thực hiện công bằng xã hội, phản ảnh tính ưu việt, chủ nghĩa nhân văn cao đẹp của chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam và Cuba đang xây dựng.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển.
Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng Chính sách phát triển, là điều kiện quan trọng hàng đầu để xử lý tốt mối quan hệ "giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội."
Nhận thức, quan điểm về phát triển công bằng, bền vững của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa có sự kế thừa nhận thức và xu hướng phát triển chung của thế giới vừa có sự vận dụng, bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.(Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Phát triển nhanh và bền vững, gắn kết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là định hướng và bước đi của Việt Nam, phù hợp với các chương trình nghị sự của khu vực và thế giới, như Nghị quyết của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.
Tại Việt Nam, công cuộc Đổi mới hơn 30 năm qua là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh."
Bằng những nỗ lực thực hiện chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và duy trì trong một thời gian khá dài.
Các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được triển khai hiệu quả.
Tỷ lệ người nghèo đã giảm từ 58% vào đầu thập niên 1990 xuống dưới mức 10% vào năm 2010, có nghĩa là chỉ trong vòng hai thập niên đã có khoảng 30 triệu người Việt Nam thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Bằng các chủ trương, chính sách đúng đắn, hiệu quả, Việt Nam đã kiềm chế được sự gia tăng bất bình đẳng thường thấy trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở các nước có trình độ phát triển tương đương.
Chia sẻ chân thành, cùng phát triển
Tổng Bí thư nêu rõ, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, có thể tồn tại và thích ứng với nhiều hình thái xã hội khác nhau.
Tự thân kinh tế thị trường không đưa đến chủ nghĩa xã hội, nhưng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công cần phải phát triển kinh tế thị trường một cách đúng đắn, phù hợp.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, Việt Nam đã lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát triển nhanh và bền vững, gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội vừa là mục tiêu vừa là thuộc tính của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi sổ lưu bút tại trường Đại học Tổng hợp La Habana. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Càng phát triển kinh tế thị trường, có được tăng trưởng kinh tế cao, càng phải chăm lo tốt hơn tới phát triển con người, phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường...
Thực tiễn cho thấy, công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu thì bên cạnh những cơ hội mới, cũng có không ít thách thức, khó khăn, phức tạp nảy sinh.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra nhiều vấn đề về mô hình tăng trưởng và con đường "đi tắt, đón đầu" của các nước, song cũng mở ra cách tiếp cận phát triển mới khi lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh thuộc về những ngành dựa trên tri thức và công nghệ cao và nguồn lực phát triển quan trọng nhất vẫn là nguồn lực con người.
Trong khi đó, những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội và môi trường của Việt Nam không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục được, đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì và dựa trên những luận cứ khoa học chắc chắn.
Trên cơ sở đó, Việt Nam xác định 4 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Một là, phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện đổi mới đồng bộ kinh tế với chính trị theo những bước đi phù hợp, tôn trọng quy luật khách quan, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, đặc biệt là những mô hình hay, những kinh nghiệm tốt, để tháo gỡ những vướng mắc, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Hai là triển khai quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu trong thời gian tới. Mô hình tăng trưởng mà Việt Nam xây dựng phải bảo đảm có cả hai yếu tố công bằng và bền vững.
Ba là thực hiện đồng bộ và có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, quan tâm đầy đủ hơn nữa đến nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, bảo đảm mọi người dân đều được chăm sóc, thụ hưởng những thành quả của tăng trưởng kinh tế; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Dẫn lời Chủ tịch Fidel Castro: "Cách mạng không phải là một thứ dễ dàng.
Cách mạng là một cuộc đấu tranh giữa tương lai và quá khứ", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, đổi mới ở Việt Nam cũng như cập nhật hóa mô hình kinh tế ở Cuba không phải là những liệu pháp sốc, làm một lần, một cuộc là xong, mà phải hết sức kiên trì, làm đi làm lại, vừa làm vừa học tập, rút kinh nghiệm trên cơ sở hoàn chỉnh lý luận và tổng kết thực tiễn.
Tổng Bí thư bày tỏ: "Đến với Cuba, chúng tôi cảm thấy như đang ở chính ngôi nhà của mình, ở chính Tổ quốc mình, giữa những người đồng chí, những người anh em thân thiết."
Mong muốn được tìm hiểu, lắng nghe, học tập kinh nghiệm của các đồng chí Cuba, Tổng Bí thư tin tưởng sâu sắc rằng, Cuba - một dân tộc anh hùng, hiên ngang, trọng danh dự, một dân tộc cách mạng, dũng cảm sẽ không bao giờ chịu thất bại bởi bất cứ ai hay bất cứ điều gì.
Với sự lãnh đạo nhìn xa trông rộng của Đảng Cộng sản Cuba, với hành động quyết liệt của chính phủ, sự đồng lòng của nhân dân, đất nước Cuba anh em nhất định sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên hòn đảo tự do của mình.
Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trả lời nhiều câu hỏi của sinh viên Đại học Tổng hợp La Habana về việc kế tục tư tưởng của Lãnh tụ Fidel Castro và Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát triển hơn nữa mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa hai dân tộc Cuba và Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; về những lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới; về công cuộc đổi mới ở Việt Nam...