Nếu như có một Chí Phèo tất đâu đó gần đấy là sẽ có một Bá Kiến. Người ta chỉ toàn nhìn thấy những Chí Phèo mà chẳng mấy ai thấy Bá Kiến hoặc nghĩ ai đó là Bá Kiến!
"Ở đây có đồng chí Tuấn, đi đâu cũng khóc như mưa. Tôi đang sợ có nơi khóc nghệ sĩ đau xót quá rồi treo cổ chết. Tôi đang dự phòng đây. Tôi nói thật với , người ta gọi anh là Chí Phèo".
"Ông chủ" mới của Hãng Phim Truyện Việt Nam nói thế về đạo diễn- diễn viên Quốc Tuấn. Hẳn là những ai đang quan tâm, yêu quý đến đạo diễn Quốc Tuấn trong hành trình với bé Bôm sẽ nóng mặt ngay.
Nhất là khi xếp ông Nguyễn Thuỷ Nguyên - chủ tịch HĐQT Vivaso vào cái ghế "ông chủ mới" của hãng phim - một người làm công việc liên quan đến văn hoá - nghệ thuật.
Ai mà tin nổi sếp văn hoá lại có những lời lẽ thiếu văn hoá đến thế? Ai mà tin nổi tại cuộc họp nghiêm túc mà nói những lời còn tệ hơn nơi quán nhậu đến thế? Nếu Quốc Tuấn là Chí Phèo thì ai là Bá Kiến?
Trong truyện ngắn của Nam Cao, Bá Kiến được mô tả như thế này: Hãy ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn. Hãy đập bàn đập ghế, đòi cho được năm đồng, nhưng được rồi thì vất trả năm hào ui thương anh túng quá!
Nếu như có một Chí Phèo tất đâu đó gần đấy là sẽ có một Bá Kiến. Người ta chỉ toàn nhìn thấy những Chí Phèo mà chẳng mấy ai thấy Bá Kiến hoặc nghĩ ai đó là Bá Kiến.
Ông chủ mới của hãng phim là một người kinh doanh. Ông mua lại hãng phim hẳn là bài toán kinh doanh của ông.
Thắng thua lỗ lãi là việc ông phải tính toán. Hãng phim không tự cứu được mình thì phải bán mình và phụ thuộc vào ông chủ mới. Trong câu chuyện kinh doanh dù có thể người ta hay nhắc đến phạm trù đạo đức kinh doanh nhưng thứ giúp nó tồn tại được - "máu" của nó vẫn là đồng tiền chứ không phải đạo đức hay những cam kết.
Chúng ta đều đã thấy điều đó trong rất nhiều ví dụ đang xảy ra quanh ta. Như việc trường học tư tăng học phí - có thể đằng sau là bài toán kinh doanh để không bị thua lỗ.
Đúng về lý mà đau về tình. Lũ trẻ mới là đám chịu khổ trong cuộc chiến giữa nhà trường với phụ huynh.
Người làm kinh doanh vốn không phải nhà từ thiện. Họ chỉ trở thành nhà Từ thiện khi họ… đã đầy đủ. Vivaso cũng vậy, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên cũng vậy. Nên ông mới tuyên bố ông sẽ trả lương đầy đủ cho người làm việc chứ không trả lương cho người không làm việc.
Nhiều ông chủ kinh doanh không quan tâm chuyện một nghệ sỹ có khi phải mất hàng năm trời ấp trứng mới mong nở ra tác phẩm.
Thứ các ông chủ ấy muốn là sản phẩm ra đời ngay, bán phải có lãi, có lãi mới trả được lương. Đừng ai đòi hỏi các ông này phải trải nghiệm đời đạo diễn hay biên kịch để thấu cảm với nghề.
Nếu hiểu vậy về ông sẽ thấy hiểu việc ông Nguyên mắng Quốc Tuấn là Chí Phèo thậm chí còn ác khẩu khi nói rằng "nghệ sỹ đau xót quá rồi treo cổ chết. Tôi cũng đang dự phòng đây".
Việc các ông chủ nào đó thủ sẵn sợi dây thừng dự phòng xét cho cùng cũng giống cách của một con buôn tìm đến người có nhu cầu tự treo cổ để bán dây thừng thôi. Đừng trách con buôn ấy!
Người làm kinh doanh trong sách vở nói rằng phải có tâm, có đức thì mới hanh thông và phát triển được. Nhưng đấy là nói đến những người làm kinh doanh biết đọc chữ, đã đọc sách và tin rằng làm kinh doanh phải có tâm, có đức.
Chứ có nhiều người làm kinh doanh dù biết đọc chữ thậm chí khoe đọc cả ngàn cuốn sách nhưng họ không tin vào hai chữ Tâm- Đức thì họ vẫn cứ kinh doanh… dây thừng thôi. Sức ép Doanh thu hay chỉ số biên độ lợi nhuận cũng chính là sợi dây thừng đang thít cổ họ.
Một số đoạn đối thoại khác của lãnh đạo Công ty Cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam với các nghệ sĩ.
Chẳng ai đi làm kinh doanh mà chịu hoà vốn hay không có lãi cả. Ông chủ Vivaso quẳng ra một đống tiền mua lại Hãng phim vốn cũng vậy. Thế nên ông có tiền ông sẽ được nói giọng của một ông chủ. Chỉ tiếc là ở một cơ quan văn hóa lại có một ông chủ có những lời ít văn hóa như thế.
Nhưng nghệ sĩ và công chúng, vẫn có một lựa chọn cuối cùng: Không việc gì phải tập quen và để lời thiếu văn hóa ấy lọt vào những đôi tai tử tế!