Nói thật chuyện này ra sẽ có không ít người đẹp mê nhà thơ “bác sĩ hoa súng” cảm thấy thất vọng.
Thật ra, nếu anh có yêu say đắm một người tình nào đó thì đấy cũng chỉ là cái cớ để anh viết nên những bài thơ hay nhất đời thơ mình và sau đó khi bài thơ hoàn thành, nguyên mẫu người đẹp cho bài thơ ấy có thể sẽ hoàn toàn “vỡ mộng”.
Người tình lớn nhất là những bài thơTrong một lần đàm đạo về thi ca - thi pháp tại quán bia hơi gần nhà “bác sĩ hoa súng”, tôi từng nói với anh: “Thật ra, người làm thơ chúng ta chỉ là công cụ của Thượng - đế- văn - chương và chị em thôi, ông hiểu không? Vì nếu không yêu thì chúng ta không có thơ hay, bởi trong khi yêu, những dây đàn của “cây đàn cảm xúc” trong tâm hồn nhà thơ luôn căng lên như một lá buồm, lúc ấy chỉ cần một ngọn gió yêu đương thoảng qua, cây đàn ấy sẽ phất lên những thi điệu nồng cháy nhất và bài thơ trác tuyệt nhất ra đời…”.
Cầm vội ngắt lời: “Tôi đồng ý nhưng phản đối chuyện ông ví Thượng-đế-văn-chương với chị em. Thượng đế là Thượng đế và chị em là chị em, không nên nhập nhằng như vậy”. Tôi cãi liền: “Thế trong lúc yêu đương mút mùa và thăng hoa vì thi ca, rồi trong tháng trăng mật có được tứ thơ nào cũng đều là thơ tình cả, vậy chị em trong tâm hồn nhà thơ chúng ta khi ấy không là thượng đế thì là cái gì? Ý tôi muốn nói ở đây, tình yêu chính là chất xúc tác mạnh mẽ nhất cho cảm hứng sáng tạo thi ca, ông hiểu chưa?”.
Vớ ngay cái điếu cày cạnh bàn, “bác sĩ hoa súng” làm một bi rồi nổ: “Chân lý về thi ca bao giờ cũng đơn giản, còn ông diễn giải vòng vo, lê thê quá mà không có dẫn chứng nào thuyết phục cả, vậy ông chứng minh chân lý này bằng thơ của tôi hoặc bằng của thơ ông xem nào, hề hề”.
Tôi cười xòa, cầm cốc bia sủi bọt làm một hơi, rồi tỉa tót: “Chứng minh thứ nhất, thời trai trẻ yêu đương lăng nhăng, nhà thơ Nhuận Cầm họ Hoàng yêu một em tên Phương cùng khóa đại học. Chàng yêu nàng đến mức không kìm giữ được, thức trắng suốt một đêm viết bài thơ có cái tựa đề “Phương ấy”.
Không những chỉ dùng tên người mình yêu là Phương đặt tên cho bài thơ, Cầm còn không ít lần gọi tên người mình yêu trong bài thơ đó:
“Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy/ Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai/ Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài/Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy/Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn/ Là cái phương chưa rõ cả mặt em/ Chưa khóc kịp bao bạn bè nhắm mắt/ Là cái phương nấm mộ người giữ đất/ Chớp bên đường như một ánh sao nâu…”.
Điều đáng nói, ít người biết rằng, bài thơ viết về chiến tranh hay nhất của “bác sĩ hoa súng” lại xuất phát từ tên một người con gái mình yêu. Chính vì mối tình ấy, mà nền văn học “cầm súng” của chúng ta có một bài thơ hay”.
Sự thật chuyện tình như tiểu thuyết của 'bác sỹ hoa súng' - Ảnh 1Các bạn sinh viên xin chữ ký của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.Nghe tôi cố tình bật mý chuyện chưa ai biết, “bác sĩ hoa súng” chỉ tủm tỉm cười. Tôi cười hì hì: “Chưa hết đâu, sau này tôi gặp lại em Phương đang công tác tại một tờ báo ở Hà Nội. Em ấy kể lại chuyện cái đêm “bác sĩ hoa súng” mang bài thơ “Phương ấy” vừa sáng tác xong đến đọc cho em nghe.
Nghe Cầm bảo “Anh đưa tên em chạy dọc bài thơ này như một điệp khúc tình yêu”, cô nàng sướng mê mẩn, lịm người tới mức muốn gục ngay vào vai chàng thi sĩ khi chàng thổn thức đọc mấy câu thơ toàn thấy có tên của nàng: “Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy”, rồi “Là cái phương sao quá bồn chồn”, tiếp “Là cái phương chưa rõ cả mặt em”, nữa “Ôi phương ấy ở đâu tôi cũng gặp” và “Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi”.
Tôi ý nhị hỏi Phương: “Thế đêm hôm ấy, sau khi đọc thơ, Cầm thi sĩ có áp mặt vào Phương em không?”. Phương lắc đầu, cười quầy quậy: “Anh ấy cứ ngồi đọc thơ tình suốt đêm cho tới sáng, cứ đọc, rồi hút thuốc, rồi lại đọc, lại hút, cả đêm chẳng ngủ nghê gì cả!”.
Tôi cười bảo Phương: “Thằng ấy điên thật rồi em ạ, đọc thơ tình “chay” suốt đêm như thế thì đếch người tình nào chịu nổi”. “Hay là em giấu anh, chẳng lẽ thằng bạn anh đêm ấy kém cỏi đến thế à, thế nó không hôn hít, vỗ về, ôm ấp… em hay sao?”, tôi nghi ngờ.
Nàng thơ tên Phương trả lời: “Anh ấy chỉ hôn hít qua loa chút chút thôi, rồi lại đọc thơ, rồi lại hút, chẳng làm gì thêm ngoài đọc và hút…”.
Tôi vỗ tay lên trán: “Thôi đúng rồi, Cầm thi sĩ đêm ấy bị tự kỷ ám thị vì câu thơ “Phương ấy” nên tuy thấy nàng thơ Phương bằng da, bằng thịt ở ngay bên cạnh mà vẫn tưởng rằng mình đang nằm trong chiến hào khét lẹt mùi thuốc súng nên cứ lẩm bẩm mãi câu thơ: “ Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy” mà không hay biết rằng cái người mình cần áp ngực vào đang ở ngay bên cạnh”.
Tôi an ủi Phương: “Cái kiểu xuất thần này, người làm thơ vẫn thường gặp phải, điều quan trọng nhất là bài thơ để đời của Cầm đã xuất phát từ em. Rút kinh nghiệm, người đẹp lần sau không nên gặp nhà thơ lúc anh ta đang thích đọc thơ, và chỉ nên gặp lúc anh ta đang thích mình chứ không phải thích thơ… he he”.
Thơ tán gái của ông hay nhất nước!Nghe tôi phán như người trong cuộc kiểu trên, “bác sĩ hoa súng” cười hơ hớ: “Chú thấy tài năng thơ của anh siêu việt chưa?”. Tôi cười cái hì: “Về khoản thơ tán gái thì phải công nhận ông nhất nước. Đành phải buột miệng khen theo kiểu cụ Nam Cao khen: Tài thật, tài thật! Tiên sư anh Tào Tháo, tài đến thế là cùng! Một bài thơ tán gái chỉ có hai từ “Phương ấy” mà ông diễn tới 8 khổ - 32 dòng thơ thành một bài thơ tráng ca về chiến tranh hừng hực tình yêu đất nước và bốc mùi thuốc súng ngùn ngụt thì rõ ràng chẳng có thi sĩ nào ở đất nước này tán gái bằng thơ chiến đấu giỏi hơn ông”.
“Bác sĩ hoa súng” nhìn tôi vẻ kiêu ngạo: “Cái chuyện thơ tình của tôi hay nhất nước thì khỏi phải bàn, còn trình độ tán gái bằng thơ của ông như thế nào? Tôi cho phép ông tự trình bày chuyện tán tỉnh “cái cô sinh viên ngủ 7 ngày không dậy” ấy xem sao?”.
Tôi giả đò ngạc nhiên: “Làm gì có chuyện tầm phào ấy”. Cầm toét miệng cười: “Vải thưa không che nổi mắt thánh đâu em nhé, bài thơ “Mùa thu không trở lại” vừa in báo Tiền Phong chủ nhật tuần trước tặng em nào, tiền nhuận bút bài thơ ấy hôm nay bỏ ra đây trả tiền bia, hề hề, khai mau!”.
Tôi đành diễn giải: “À, đấy là một em nữ sinh viên trường tổng hợp cứ nằng nặc đòi làm quen với tớ sau một đêm thơ. Chuyện kỳ cục lắm, cô bé này kể lại: Vì biết cô thích thơ, nên người yêu cô liền ra hiệu sách mua một tập thơ tình của tớ tặng cho nàng và bảo: “Thơ tình của anh này hay lắm, anh đã từng chép thơ của nhà thơ này trong sổ tay thơ của anh”. Cô ấy đọc tập thơ của mình và “phải lòng mặt” luôn, vì trong tập thơ ấy có in cái ảnh của tớ hồi trẻ, trông rất phiêu lãng với mái tóc bồng bềnh như mây giông.
Hôm tớ về trường cô ta đọc thơ trong “Đêm thơ mùa thu”, cô ấy ôm tập thơ tình rình xin chữ ký của tớ và thì thào bên tai: “Em yêu thơ anh và yêu cả anh”. Tôi bảo “Tối mai anh sẽ vào ký túc xá của em chơi”.
Nàng thơ cười rất hồn nhiên: “Anh đừng vào, em ngủ hết tuần này, tuần sau em mới dậy, khi nào em tỉnh dậy, anh hãy vào, để em có thời gian mơ hết giấc mơ về thơ anh trong một tuần đã, anh nhé”.
Tôi cười, giữ đúng lời hứa. Tuần sau vào thăm nàng, tôi mang theo tờ báo Tiền phong Chủ nhật in bài thơ “Mùa thu không trở lại” xuất phát từ câu nói của cô:
“Cô bé ấy có một lần nói khẽ/Anh tin không, em sẽ ngủ một tuần/ Anh đừng đến và đừng buồn anh nhé/ Em ngủ rồi, còn ai nữa mà mong/ Em ngủ rồi, em có dậy nữa không ?/ Mùa thu tiễn anh qua miền phố vắng/ Mỏng mảnh quá lời yêu không đủ ấm/ Những đam mê ngày ấy ngỡ xa rồi/Nỗi buồn chiều ta uống với ta thôi/ Em như rượu, em làm ta cháy mất/ Giấc ngủ ấy ai tin là có thật/ Em một mình đốt hết cả mùa thu/ Ở bên kia thành phố có sương mù/ Ai hát đấy, ta buồn như cỏ dại/ Dậy thôi em, mùa thu không trở lại/ Giấc mơ nào trên cỏ hãy còn xanh”.
Nghe tôi kể xong, “bác sĩ hoa súng” xét nét: “Đây là bài thơ tình viết theo kiểu cố tình nghiến răng đánh thức một người con gái đang ngủ. Ông tán tỉnh bằng thơ thế quái nào mà để cho người đẹp lăn ra ngủ thì chắc thiên hạ phải bầu ông là “Nhà thất bại lão thành trong tình yêu” cũng chẳng có gì là lạ, hề hề”.
Còn tiếp…
Nguyễn Việt Chiến
Sự thật chuyện tình như tiểu thuyết của "bác sỹ hoa súng"
Thứ tư, 20/05/2015, 11:23 (GMT+7)