Trong những ngày qua, dư luận đang xôn xao về Thông tư 89 của Bộ Tài chính về việc CSGT được giữ lại 70% số tiền phạt từ việc xử lý vi phạm giao thông. Thông tin này càng gây sự bàn tán khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Nghị định này có mức xử phạt lên tới 40 triệu đồng với những vi phạm liên quan đến sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Điều này đồng nghĩa với việc lực lượng CSGT sẽ giữ lại một số tiền tương đối lớn.
Tuy nhiên thông tin này là không chính xác. Trao đổi với Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tất cả số tiền lực lượng công an xử phạt đều nộp về Ngân sách Nhà nước và sẽ được phân bổ cụ thể trung ương là bao nhiêu, địa phương là bao nhiêu dựa theo quy định của luật pháp.
Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, giải quyết Tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cũng khẳng định đó là thông tin không chính xác với báo Lao Động.
Thông tư số 89/2007/TT-BTC ngày 25.7.2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, thông tư này đã hết hiệu lực.
Ngày 31/10/2013, Thông tư số 153/2013/TT-BTC được thông qua. Thông tư này có nói rõ quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số 153/2013/TT-BTC nêu rõ: “Tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước...”.
Như vậy, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Thông tư số 153/2013/TT-BTC thì tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.