Hành động ngáp cảm giáp cảm giác như bình thường tới nỗi con người làm vậy mọi lúc mà không cần suy nghĩ. Tuy nhiên, khoa học đằng sau hành động thường nhật này vẫn là một bí ẩn.
Chúng ta ngáp trong nhiều tình huống khác nhau, như một phản ứng sinh học đối với nhu cầu cơ thể. Ban đầu, các nhà khoa học tin rằng người ta ngáp liên quan đến việc cung cấp oxy trong máu. Nhưng các nghiên cứu gần đây đã lật tẩy giả thuyết này khiến các nhà khoa học vẫn tự hỏi: Tại sao chúng ta lại ngáp.
Hành động ngáp
Ngáp có thể biểu thị nhiều cảm giác, chẳng hạn như buồn chán, kiệt sức, đói, lo lắng và sợ hãi. Ngáp thậm chí còn có thể là một sự xúc phạm nếu nó bị cố tình sử dụng trong hoàn cảnh không thích hợp.
Adrian Guggisberg, giáo sư khoa học thần kinh lâm sàng tại ĐH Geneva, Thụy Sĩ cho biết: "Có rất nhiều yếu tố kích hoạt. Những người nhảy dù cho biết họ có xu hướng ngáp trước khi nhảy. Cảnh sát thì nói họ ngáp trước khi bước vào một tình huống khó".
Tương tự, những nhạc sĩ chuyên nghiệp thường ngáp trước khi bắt đầu biểu diễn hòa nhạc. VĐV Olympic thì thường làm vậy trước khi bước vào một trận đấu lớn. Ngáp cũng được ghi nhận ở động vật như chó, mèo, gấu, dơi và thậm chí là chuột đồng.
Robert Provine, giáo sư tâm lý học và khoa thần kinh học tại ĐH Maryland đã nghiên ứu về "khoa học ngáp" từ những năm 1980. Theo ông Provine, một cú ngáp tốt có thể tăng nhịp tim, huyết áp và chức năng hô hấp của bạn cùng lúc. "Ngáp kích thích sinh lý của chúng ta và nó đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác", ông nói.
Tuy nhiên, bất chấp những tác động này, nguyên nhân cụ thể của hiện tượng ngáp vẫn chưa được biết rõ. Ngáp có thể được xem là hành vi thông thường ít được biết đến nhất của con người.
Dữ liệu nghiên cứu hiện có đã ghi lại những cái ngáp của con người trong đủ loại bối cảnh, khiến các nhà khoa học càng khó xác định nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này.
Tại sao chúng ta ngáp?
Khoảng 30 năm trước, các nhà khoa học tin rằng ngáp là cách để cơ thể tăng nồng độ oxy trong máu vì ngáp có liên quan đến việc hút nhiều không khí. Nhưng dù giả thuyết này rất thuyết phục thì một loạt thí nghiệm được công bố năm 1987 đã bác bỏ nó.
Giờ đây, các nhà khoa học phải làm sáng tỏ một chuỗi giả thuyết khác nhằm giải đáp bí ẩn tại sao chúng ta lại ngáp.
Một giả thuyết cho rằng ngáp "có chức năng thúc đẩy sự hưng phấn và tỉnh táo". Đó là cách để não hạ nhiệt khi chuyển từ trạng thái ngủ sang thức. Vì vậy, thay vì là dấu hiệu của sự mệt mỏi, ngáp thực tế là cách tự nhiên để cơ thể ngăn tình trạng kiệt sức bằng cách tăng lưu lượng máu lên não.
"Nói chung, những kiểu hành vi này làm tăng lưu lượng máu đến hộp sọ, có thể có một số tác dụng, một trong số đó là làm mát não", Andrew Gallup, trợ lý giáo sư tâm lý học tại Viện Bách khoa, ĐH New York ở Utica cho biết.
"Khi nhiệt độ cơ thể chúng ta ấm hơn, chúng ta cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ hơn. Và có thể những cơn ngáp buổi tối được kích hoạt để cố chống lại cơn buồn ngủ. Vì vậy, chúng ta ngáp vào buổi tối để cố duy trì một số trạng thái hưng phấn hoặc tỉnh táo".
Một nghiên cứu năm 2013 đã đưa ra kết luận tương tự. Nó ví hiệu ứng não được kích hoạt khi ngáp với tác động của việc tiêu thụ một lượng caffeine.
Tuy nhiên, Guggisberg của ĐH Geneva và các nhà nghiên cứu khác đã nghi ngờ giả thuyết này. Guggisberg lập luật rằng "Không có tác động kích thích cụ thể nào của việc ngáp lên não bộ được quan sát thấy trong ít nhất 5 nghiên cứu" khiến giả thuyết ngáp là một cơ chế đánh thức ít thuyết phục.
Chúng ta không biết tại sao ngáp lại lây lan
Sự thật là chúng ta vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra hiện tượng ngáp. Nhưng chúng ta biết một điều chắc chắn là ngáp rất dễ lây lan. Nhìn một người ngáp có thể khiến người khác ngáp theo. Trên thực tế, nghe, suy nghĩ, nói chuyện và thậm chí là đọc về ngáp cũng có thể khiến một người ngáp tự nhiên.
Đặc điểm kỳ lạ này đã được chứng minh nhiều lần trong nhiều nghiên cứu khác nhau. Guggisberg tin rằng bản chất dễ lây lan của ngáp có thể cho thấy ngáp có mục đích xã hội hoặc giao tiếp thay vì mục đích sinh lý.
Theo Provine, nhà nghiên cứu của ĐH Maryland, những cái ngáp truyền nhiễm có thể đã tiến hóa từ những con người đầu tiên như một cách để cải thiện liên kết xã hội. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy ngáp dễ lây lan giữa những người quen hơn là người lạ cũng đã ủng hộ giả thuyết này.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em không biểu hiện hành vi ngáp lây lan cho đến khi chúng được khoảng 4 tuổi, độ tuổi mà các kỹ năng xã hội bắt đầu phát triển.
Nhưng ngáp không chỉ "chuyển giao" giữa con người mà nó còn lan truyền giữa các loài động vật. Trên thực tế, hiện tượng lây ngáp được chứng minh xảy ra giữa các loài, cụ thể là giữa người và chó. Tuy nhiên, điều đó vẫn không giải thích được tại sao con người lại ngáp.
Trong khi các nhà khoa học cố tìm hiểu hành vi cơ bản này của con người trong một thời gian rất dài, có vẻ nhưng chúng ta vẫn chưa thể khám phá được sự thật đằng sau hiện tượng bí ẩn này.