Gạo lứt là gạo gì?
Trong các loại gạo thì gạo lứt là gạo giữ được nhiều chất dinh dưỡng nhất. Đây là loại ngũ cốc nguyên hạt chưa qua tinh chế, chỉ đơn thuần là được loại bỏ lớp vỏ bên ngoài nên còn giữ lại được rất nhiều chất dinh dưỡng.
Tác dụng của gạo lứt
* Gạo lứt rất tốt cho tim mạch
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, gạo lứt có nhiều tác dụng và tác dụng đầu tiên chính là giúp giảm nguy cơ bị tắc nghẽn động mạch. Theo một nghiên cứu từ năm 2005, trên Tạp chí Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Journal), việc tăng cường chất xơ từ ngũ cốc, các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt làm giảm nguy cơ mắc xơ vữa động mạch vành ở phụ nữ sau mãn kinh bị bệnh mạch vành.
Ngoài ra, nghiên cứu được đăng tải năm 2014 trên Tạp chí Y tế Dự phòng Quốc tế (International Journal of Preventive Medicine) đã chỉ ra rằng, việc dùng gạo lứt sẽ giúp làm giảm các dấu hiệu viêm và các nguy cơ bệnh tim mạch cho phụ nữ bị quá cân, béo phì và có nguy cơ mắc phải bệnh tim mạch cao.
* Gạo lứt giúp loại bỏ cholesterol xấu
Mang trong mình nguồn chất xơ lớn nên gạo lứt giúp hòa tan và giảm hàm lượng cholesterol xấu (LDL) trong máu. Tạp chí Dinh dưỡng Anh năm 2014 đã chỉ ra khả năng kháng insulin, tổng lượng cholesterol và cholesterol LDL trong cơ thể đều giảm rõ sau khi dùng gạo lứt.
* Gạo lứt giúp giảm nguy cơ tiểu đường
Nghiên cứu năm 2006 trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng chỉ ra tổng lượng đường giải phóng từ gạo lứt thấp hơn 23,7% so với gạo trắng. Trong gạo lứt có chứa nhiều axit phytic, polyphenol, chất xơ và dầu hơn nên có nhiều tác dụng cho bệnh nhân tiểu đường.
* Gạo lứt giúp phòng ngừa ung thư
Nghiên cứu trên Tạp chí Dịch tễ học Ung thư, Các dấu chuẩn và Phòng ngừa (Cancer Epidemiology, Biomarkers & Prevention) vào năm 2000 khẳng định gạo lứt có chứa các hợp chất có đặc tính ngăn ngừa ung thư. Vì vậy ăn gạo lứt thay cho gạo trắng sẽ giúp ngăn ngừa ung thư.
* Gạo lứt hỗ trợ giảm cân, ăn kiêng
Nhiều người chuyển từ ăn gạo trắng sang gạo lứt để duy trì trọng lượng cơ thể cân đối vì chất xơ ở trong gạo lứt sẽ tạo cảm giác no nên bạn sẽ ít ăn vặt các thực phẩm không lành mạnh hơn.
Bên cạnh đó, gạo lứt giúp cho quá trình trao đổi chất của cơ thể tốt hơn. Trong gạo chứa mangan giúp hỗ trợ sự tổng hợp chất béo của cơ thể.
* Gạo lứt có tác dụng với hệ miễn dịch
Gạo lứt chứa trong mình một lượng đáng kể các loại vitamin, khoáng chất và các thành phần phenolic thiết yếu cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Thêm nữa đặc tính chống oxy hóa của gạo lứt giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do các gốc tự do, nhờ đó ngăn ngừa bệnh và lão hóa.
* Gạo lứt tốt cho xương
Gạo lứt chứa nhiều magie (226g gạo lứt đã đủ cung cấp 21% nhu cầu magie hàng ngày) giúp cho xương chắc khỏe. Magie là một chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng bên cạnh canxi và vitamin D để giúp xương chắc khỏe. Hơn nữa chất này còn tốt cho chuyển hóa vitamin D, hấp thụ canxi tốt hơn, hỗ trợ hình thành xương.
* Gạo lứt tốt đối với ruột
Gạo lứt cũng chứa một lượng lớn mangan giúp hỗ trợ tiêu hóa chất béo tốt và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng chế độ ăn không có gluten vì gạo lứt không chứa gluten. Khi ăn gạo lứt, bạn nên uống nhiều nước để giúp cho chất xơ phát huy hiệu quả hỗ trợ tiêu hóa.
* Gạo lứt tốt cho hệ thần kinh
Gạo lứt chứa nhiều khoáng chất quan trọng với hệ thần kinh của con người như:
Mangan: Giúp hình thành các axit béo và hormone cần thiết cho hệ thần kinh. Ngoài ra, mangan cũng giúp cân bằng hoạt động của canxi trong cơ thể, điều khiển hoạt động của hệ thần kinh và cơ để ngăn ngừa co cơ.
Vitamin B: Giúp não và hệ thần kinh hoạt động tốt thông qua việc tăng cường trao đổi chất trong não.
Kali và canxi: Đóng vai trò quan trọng giúp các tế bào thần kinh và tế bào cơ khỏe mạnh.
Vitamin E: Phòng ngừa một số bệnh thần kinh do tổn thương oxy hóa gây ra.
Cách nấu cơm gạo lứt ăn không ngán, để được lâu
So với gạo trắng hằng ngày mọi người vẫn thường ăn, gạo lứt tốt hơn nhưng lại khó ăn hơn. Gạo lứt rất dễ sử dụng và là loại thực phẩm dễ tìm thấy với giá thành khá rẻ và dễ bảo quản. Chúng dễ dàng kết hợp linh hoạt với các loại thực phẩm khác và được sử dụng bất kỳ thời điểm nào trong ngày để giúp cơ thể kiểm soát cân nặng và đảm bảo năng lượng và dinh dưỡng thiết yếu. Việc kết hợp gạo với nhiều thực phẩm khác sẽ dễ ăn hơn.
Một số lưu ý khi dùng gạo lứt
Kiểm tra độ tươi của gạo trước khi mua
Trữ gạo trong môi trường chân không tới 6 tháng ở nhiệt độ phòng
Bạn không nên trữ nhiều gạo lứt vì lớp dầu tự nhiên có thể bị hỏng.
Không nên để cơm gạo lứt quá lâu, không nên hâm gạo nhiều lần. Do có lớp xơ bên ngoài nên gạo lứt sẽ lâu chín hơn gạo trắng.