Trong suốt 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người lao động không có tích lũy, nhiều người cho rằng nếu tiếp tục lùi thời điểm Tăng lương tối thiểu vùng thì cuộc sống của họ sẽ thêm vất vả.
Trong khi đó, phía người sử dụng lao động lại bày tỏ quan điểm chưa nên tăng lương ở thời điểm hiện tại.
Theo Vnexpress, cách đây không lâu, Hội đồng tiền lương quốc gia đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7/2022, đồng nghĩa với việc tăng thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay.
Nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua thì mức lương tối thiểu vùng 1 sẽ lên mức 4,68 triệu đồng, vùng 2 lên 4,16 triệu đồng, vùng 3 lên 3,64 triệu đồng và vùng 4 sẽ là 3,25 triệu đồng.
Sau đề xuất tăng lương của Hội đồng tiền lương quốc gia, 8 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ lùi thời gian tăng lương tối thiểu từ ngày 1/1/2023 thay vì 1/7 như năm nay.
Chia sẻ trên Pháp luật TP.HCM, ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng các doanh nghiệp mới phục hồi sau dịch nên còn khó khăn. Do đó, tăng lương tối thiểu vùng sẽ ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp.
Đối với những đơn vị có quy mô vài nghìn công nhân sẽ tốn thêm vài tỷ đồng cho các khoản phí, bảo hiểm. Trong khi đó đối với các công ty có vài chục nghìn lao động sẽ tốn thêm vài chục tỷ đồng mỗi năm.
Ông Hưng bày tỏ quan điểm đồng tình với việc tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo thu nhập cho NLĐ nhưng cần 'thông báo từ sớm cho doanh nghiệp chuẩn bị'.
Bởi theo ông Hưng, hiện tại các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư cao, các hợp đồng đã ký, thậm chí hết năm mà áp dụng cận quá thì chưa hợp lý.
Ông Hưng cho biết mức lương tối thiểu vùng tăng 6% có thể áp dụng từ đầu năm 2023 là phù hợp.
Phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đồng tình việc điều chỉnh nhưng muốn lùi thời điểm thực hiện bởi các doanh nghiệp cần phải chỉnh lại phương án sản xuất, kinh doanh cũng như các chỉ số tăng trưởng.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi trao đổi với báo chí đã nêu ra nhận định rằng đời sống của NLĐ sau đại dịch liên tục gặp khó khăn.
Thậm chí nhiều bộ phận công nhân gay gắt và không trở lại các doanh nghiệp hoặc lựa chọn nhận BHXH một lần.
Giữa bối cảnh này cả trách nhiệm pháp lý và đạo lý, các doanh nghiệp cần bù đắp tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống cho NLĐ.
Theo đại diện Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc tăng lương không chỉ mang lại lợi ích cho NLĐ mà còn động lực giúp tăng năng suất lao động, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và là tiền đề gắn bó giữa NLĐ với doanh nghiệp.