Hàng năm, lễ hội chợ Viềng (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) diễn ra vào chiều và đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng. Sau hai năm tạm dừng do dịch bệnh Covid-19, năm nay, hội chợ Viềng được tổ chức trở lại thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi đổ về họp chợ, cầu tài lộc, may mắn đầu năm.
Ngay từ chiều mùng 7 Tết Nguyên đán Mậu Tuất, trên các nẻo đường về chợ Viềng tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã tấp nập du khách. Ai cũng vui tươi, háo hức được tham dự phiên chợ. Đặc biệt, đi chơi chợ Viềng xuân không chỉ là người ở Nam Định mà khắp các tỉnh Bắc Bộ, kể cả từ các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa… cũng nô nức tề tựu mua bán may rủi nơi phiên chợ độc đáo này.
Đi chợ Viềng đầu năm được lưu truyền từ đời này sang đời khác như một nét văn hóa đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng khi chủ yếu bày bán các loại nông cụ, các loại cây trồng và đồ cổ, đồ cũ.
Nét đặc trưng của chợ Viềng là người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả. Cả người mua và bán đều không quá quan trọng việc bán đắt hay mua được nhiều hàng trong phiên chợ họp duy nhất một lần trong năm này. Dường như ai đến với chợ Viềng cũng đều đinh ninh một ý niệm "Mua may bán rủi" cho năm mới được Bình An, may mắn.
Hàng hóa chợ Viềng được bày bán trong các lều quán che tạm, hoặc đặt bất cứ khoảng trống chừa lối đi nào đó trong chợ, đúng kiểu chợ phiên của làng quê Bắc Bộ xưa. Một tấm bạt trải ra, bày lên đó những thứ nông cụ được rèn thủ công, hay dăm ba đôi quang gánh, vài chiếc thúng, cũng là góp phần vào nét chợ Viềng xuân.
Người ta truyền nhau rằng, có thể đi chơi khắp khu chợ từ chiều đến tối, nhưng nếu mua thì nhất định nên đợi qua 0h, rạng sáng ngày mồng tám thì hãy mua, vậy mới thực sự là mua may cầu lành. Người nông dân thì mua cái liềm, lưỡi cuốc mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; trẻ con thích thú được người lớn mua cho tò he rồng, phượng - thứ đồ chơi dân gian không thể thiếu của tuổi thơ.
Chị Lưu Thị Hà, du khách đến từ tỉnh Ninh Bình cho biết, năm nào chị và người thân cũng tới chợ Viềng để du Xuân, cầu may mắn cho cả năm mới. Năm nay được biết hội chờ Viềng được tổ chức lại, chị Hà và gia đình rất háo hứng để về dự hội.
"Đi chợ không chỉ để mua bán hàng hóa thông thường mà còn để cầu may mắn, bình an và xin tài lộc. Năm nay tôi chọn mua cây sung với mong muốn một năm mới gia đình gặp nhiều may mắn, sung túc vẹn toàn", chị Hà vui vẻ cho biết.
Cũng chung niềm háo hức đến với hội chợ Viềng năm nay, anh Đoàn Văn Vinh (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) cho biết: "Tôi đi chợ Viềng trước hết là để du xuân, sau đó là cầu cho một năm mới được bình an, may mắn và thuận lợi. Sau thời gian dài không tổ chức, người dân chúng tôi rất phấn khởi khi lại được đi vui hội chợ Viềng truyền thống".
Khách phương xa đến có thể dạo thăm khu vực bán cây cảnh và mua cho mình một cây nhỏ bất kỳ, giá cả vừa phải, chủ yếu lấy lộc trong năm mới. Hoặc đơn giản hơn, mua một gói muối chỉ vài nghìn đồng theo tục lệ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, hay vài đồng tiền xu may mắn về để bàn thờ. Tất cả người bán và người mua đều vui vẻ, không chỉ là trao cho nhau món hàng, mà còn là gửi gắm cho nhau chút tình ngày xuân năm mới, và mong muốn mang may mắn về nhà.
Với đặc trưng thời tiết miền Bắc, hầu hết năm nào đầu tháng Giêng cũng mưa lất phất và lạnh, đến ngày phiên còn mưa nặng hạt, đường đất lầy lội, về đêm lại càng lạnh. Thế nhưng người ta vẫn khởi hành, từ khắp nơi đổ về Viềng, để hòa vào cái không khí tấp nập đầu xuân, dạo ngắm cảnh mua bán cầu tài lộc, hay dừng chân bên quán nước nhỏ, thưởng thức chén trà nóng cùng chiếc bánh nhãn quà quê, thấy lòng ấm hơn khi ngẫm về những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng ý nghĩa tự bao đời vẫn còn được duy trì.
Để tổ chức tốt Chợ Viềng xuân Quý Mão 2023, UBND huyện Vụ Bản đã thành lập Ban Chỉ đạo với 24 thành viên do đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban và sự tham gia của thủ trưởng các cơ quan, phòng ban của huyện có liên quan, cùng lãnh đạo xã Kim Thái, Trung Thành và thị trấn Gôi.
Do Chợ Viềng xuân Quý Mão 2023 diễn ra vào hai ngày nghỉ cuối tuần, điều kiện giao thông và thời tiết thuận lợi, đặc biệt hai năm qua không được tổ chức do dịch Covid-19, nên lượng du khách về với Chợ Viềng vô cùng đông.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đỗ Văn Kỳ - Phó chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lễ hội cho biết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho phiên chợ, UBND huyện Vụ Bản đã yêu cầu thị trấn Gôi, các xã Kim Thái, Trung Thành thực hiện giải tỏa các hành lang giao thông trên các địa bàn và các trục quốc lộ; không để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, bán cây, hàng quán, gây ùn tắc, cản trở giao thông, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 37B, khu vực Đền thờ nghĩa trang Liệt sỹ huyện đến sân vận động huyện, Quốc lộ 38B - đường xuống Phủ Vân Cát đi xã Kim Thái.
Ban tổ chức cũng đã quy định cụ thể từng khu vực kinh doanh, dịch vụ trong chợ; tổ chức hợp lý các bến bãi coi giữ phương tiện giao thông, tránh hiện tượng nâng ép giá; phối hợp với các ngành thành viên của Ban chỉ đạo để giải quyết, xử lý các tệ nạn hành khất, cờ bạc, trộm cắp, đổi tiền lẻ, kinh doanh hàng cấm, trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp trong thời gian diễn ra chợ Viềng...
Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông suốt thời gian diễn ra phiên chợ, Công an tỉnh Nam Định đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an các huyện Vụ Bản, Nam Trực huy động 100% quân số. Theo đó, hơn 400 cán bộ, chiến sỹ công an tỉnh, huyện Vụ Bản và các huyện được điều động làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, đảm bảo an ninh trật tự và các tình huống có thể phát sinh. Các lực lượng công an tổ chức 35 tổ cắm chốt cố định, 1 tổ tuần tra lưu động để tổ chức phân luồng hướng dẫn người dân, các phương tiện.
Ngay từ đầu chiều ngày 28/1, (tức ngày 7 tháng Giêng), các lực lượng nói trên đã có mặt tại hiện trường, tiến hành phân luồng hướng dẫn người dân, các phương tiện di chuyển trên tuyến đi lại trong dịp đầu xuân năm mới cũng như đi dự phiên chợ Viềng Xuân Quý Mão 2023 đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt.