CGV được xem là viết tắt của ba chữ Culture – Great – Vital, thực chất chỉ là mang tính chất khiên cưỡng.
Gần đây, báo chi có đưa tin hệ thống rạp chiếu phim có quy mô hoạt động lớn nhất thị trường Việt Nam chính thức đổi thương hiệu Megastar thành CGV.
Theo lý giải từ Công ty CJ – CGV (Hàn Quốc) – chủ sở hữu 80% vốn góp của Megastar, thì 3 chữ C – G – V là viết tắt cho chữ Culture (văn hóa) – Great (vĩ đại) – Vital (thiết yếu).
Tuy nhiên, không những khách hàng không cảm thấy cái tên có ý nghĩa, mà ngay từ khi ra đời, cái tên CGV đã bị đả kích vì lý do khó đọc, khó nhớ, không gợi cảm xúc, không ấn tượng, và không sang trọng như tên cũ Megastar.
Nhiều người dùng còn dịch lại 3 từ kia thành những cụm từ hài hước như: Con – Gà – Vàng, hayCái – Gì – Vậy.
Vậy rút cục CGV là cái gì vậy?
Theo lý giải của nhà báo Nguyễn Vạn Phú, CGV thực ra là chữ viết tắt của cái tên Cheil GoldenVillage. Đây là tên của công ty con của tập đoàn CJ, được thành lập vào năm 1996. Cái tên này được ghép bởi tên ba đồng sở hữu công ty gồm Cheil là từ đầu của tập đoàn CJ, Golden là hãng Golden Harvest của Hồng Kông và Village là Village Roadshow của Úc.
Nhưng sau đó, do Golden và Village bán lại cổ phần cho CJ nên cái tên CGV phải tìm cách giải thích mới cho cập nhật. Và Culture – Great – Vital là kết quả của sự khiên cưỡng đó.
Nếu CJ – CGV cứ nhất nhất muốn khách hàng biết Megastar thuộc sở hữu của CGV thì cứ để chữ CGV đó thật tự nhiên, bởi bản thân một từ viết tắt vẫn có thể làm nên thương hiệu nếu dịch vụ cung cấp thực sự chất lượng, mang đến sự hài lòng cho người sử dụng.
Hay CGV có thể tìm một cái tên khác quen thuộc hơn với khách hàng, gắn liền với thương hiệu Megastar như Megastar CGV chẳng hạn, thì chắc chắn đã không nhận được nhiều thắc mắc như vậy.
Nguồn: Trí thức trẻ