Tết Nguyên Tiêu (rằm Tháng Giêng) là một trong những ngày lễ rất quan trọng theo phong tục tập quán của người Việt Nam. Lễ hội trăng rằm đầu tiên của năm mới bắt đầu từ giữa đêm 14 tới trọn ngày 15 (ngày rằm) của tháng giêng Âm lịch. Nhiều nơi còn quan niệm "Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng" nên những nghi lễ diễn ra trong ngày này cũng được các gia đình Việt chuẩn bị rất chu đáo.
Trước kia, rằm tháng Giêng vốn là ngày Tết Trạng Nguyên. Vào dịp đêm trăng sáng đầu tiên của năm, vua mở đại tiệc ở vườn thượng uyển, mời các Trạng Nguyên đến tham dự, trong bữa tiệc họ sẽ cùng ngắm hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và ca tụng ân huệ của nhà vua đã đem lại thái bình cho muôn dân bách tính.
Kể từ đó, các buổi họp mặt vào ngày rằm Tháng Giêng được mở rộng, không chỉ dừng lại ở vườn thượng uyển của nhà vua, mà được lan ra nhiều nơi hơn. Khi không có vua, việc xem hoa ngắm cảnh dưới trăng thoải mái hơn, những bài thơ, câu đối xứng trở trên phong phú hơn.
Ý nghĩa của đêm rằm tháng giêng
Rằm tháng Giêng được xem là ngày lễ quan trọng sau dịp Tết Nguyên đán. Ngày này được quy định nghi lễ cúng bái khác nhau tùy gia đình theo Đạo Phật thì họ sẽ Bái Phật, có gia đình cúng Thổ Công Thần Tài hoặc âm hồn các đẳng...
Tuy nhiên, tất cả mọi nhà đều buộc phải thờ cúng gia tiên, bày tỏ long hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn những người trên đã phù hộ cho gia đình, con cháu được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt trong năm. Tết nguyên tiêu thành một nét văn hóa sinh hoạt không thể thiếu. Trong ngày này, các gia đình thường ngắm trăng, làm bánh trôi nước, múa lân,..