Liên quan tới thảm họa y khoa khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong hồi 29/5, ngày 12/7, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đang yêu cầu ông Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình viết bản kiểm điểm.
TS. Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã đi làm trở lại. Ảnh: Tuổi trẻ |
Theo thông tin trên Tiền Phong, VnExpress, ngày 12/7, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Trần Nguyên Khánh cho biết, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hòa Bình Trương Quý Dương đã hết thời hạn đình chỉ lần thứ 2 và đã đi làm trở lại.
Tuy nhiên, Sở đang yêu cầu ông Dương viết bản kiểm điểm, sau đó sẽ họp thống nhất hình thức kỷ luật trong vụ tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 8 người tử vong trong khi chạy thận ở Hòa Bình.
Cũng theo ông Khánh, về trường hợp của bác sĩ Hoàng Công Lương (Khoa Hồi sức tích cực- Đơn nguyên thận nhân tạo, bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, vừa được Viện KSND tỉnh Hoà Bình cho tại ngoại) thì theo đề nghị của cơ quan điều tra, đến nay bác sĩ Hoàng Công Lương vẫn chưa được trở lại bệnh viện làm việc.
Lý giải vấn đề này, ông Khánh cho hay, cơ quan công an cho tại ngoại nhưng không cho đi khỏi nơi cư trú, tạm hiểu bác sĩ Lương không thể đến bệnh viện làm việc được. “Sở Y tế luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho bác sĩ Lương trở lại làm việc nếu cơ quan tố tụng cho phép”- ông Khánh nói.
Như đã đưa tin, vào sáng ngày 29/5, 18 bệnh nhân của khoa Thận nhân tạo đến BVĐK tỉnh Hòa Bình để lọc máu chu kỳ. Tuy nhiên, khi lọc máu được 30-40 phút, các bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản về. Ngay lập tức, các bác sĩ đã đưa các bệnh nhân sang cấp cứu. Tuy nhiên, vụ việc khiến 8 bệnh nhân tử vong.
Sáng 24/6, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định đình chỉ công tác lần thứ hai đối với ông Trương Quý Dương - Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình để tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai biến chạy thận ở tỉnh này.
Được biết, kết luận của Viện Khoa học Hình sự cho thấy, mẫu nước thu tại dây cấp vào máy lọc thận số 10 và số 13 các chỉ tiêu độ PH rất thấp; độ dẫn diện rất cao, hàm lượng Floura cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Theo tiêu chuẩn AAMI với nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo, hàm lượng Florua tối đa cho phép là 0,2mg/l. Các mẫu nước này đều không đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo theo tiêu chuẩn AAMI.
Ngoài 2 máy lọc thận trên, các máy lọc thận khác cũng có hàm lượng Folorua vượt ngưỡng an toàn gấp hàng trăm lần.
Đức Hòa (tổng hợp)