Cuộc chiến mẹ chồng nàng dâu từ bữa ăn dặm của trẻĐang nuôi cô con gái 8 tháng tuổi nên ngày nào chị Nguyễn Thanh Minh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nấu bột, nấu cháo rây cho con ăn bổ sung. Vì con gái còn bé, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn toàn nên chị Minh chỉ nấu một bát nhỏ cho con tập ăn dần dần.
Khi nấu chị Minh thường không cho mắm, muối vì nghĩ rằng trong thực phẩm đã có đủ vitamin và khoáng chất cho con, đủ độ ngọt cho trẻ và trong thực phẩm cũng đã có sẵn muối.
Nhưng cứ hễ thấy chị nấu đồ ăn cho con là mẹ chồng chị Minh luôn để ý và phàn nàn chê cháo nhạt toẹt, rồi nói nhiều câu dạy dỗ như: “nấu cháo cho con cũng không biết, nấu không cho tý mắm, tý muối thì nhạt nhẽo, không có vị gì con nó ăn kiểu gì. Cho con ăn không có muối bảo sao con thịt nát, không cứng rắn bằng con người ta. Đồ ăn của trẻ phải có mắm, có muối thì trẻ mới cứng cáp, chắc thịt, rắn thịt, nhạt nhẽo người lớn còn không ăn được nữa là trẻ con…”.
Rất nhiều những lời phàn nàn, dạy bảo của mẹ chồng về cách chăm con trẻ làm chị Minh và mẹ chồng thường xảy ra mâu thuẫn khi cho bé ăn dặm. Thậm chí có những lúc thấy con dâu không cho muối vào cháo, mẹ chồng chị Minh tự đi lấy muối cho vào. Kết quả khi cho con ăn cháo, bé chỉ ăn một miếng rồi không chịu ăn, phải bỏ đi cả bát cháo.
Mặc dù vậy, mẹ chồng chị Minh vẫn luôn khẳng định việc cho thêm muối vào đồ ăn của trẻ nhỏ là tốt cho trẻ. Vì điều này đã được đúc kết từ việc bà nuôi được 3 người con khôn lớn khỏe mạnh theo cách nấu thêm muối này.
Nấu ăn cho trẻ nhỏ có cần thêm muối?
PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ, ở trẻ mới ăn dặm, bé hoàn toàn chưa biết phân biệt mặn nhạt là gì. Khẩu vị của bé hoàn toàn phụ thuộc vào khẩu vị của người lớn.
Người lớn thường có thói quen nếm thức ăn cho trẻ và cứ nghĩ rằng trẻ em cũng giống mình, phải vừa miệng thì trẻ ăn mới ngon.
Tuy nhiên, quan niệm này tiềm ẩn nguy cơ lâu dài cho sức khỏe của trẻ. Việc cho muối vào bột/cháo của trẻ có thể gây ảnh hưởng đến thận.
Chức năng thận của trẻ dưới 12 tháng tuổi rất non nớt và việc mẹ nêm quá nhiều muối/mắm khi nấu bột/cháo sẽ tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi trẻ lớn hơn, thận phải làm việc nhiều, lâu dài dễ đưa đến tổn hại chức năng thận.
Và hậu quả của thói quen không tốt này là trẻ sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai.… Ngoài ra, cũng có những bằng chứng cho thấy ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm gây tổn thương não bộ.
Ngoài sữa thì ngũ cốc, hoa quả, thịt gia cầm, cá, trứng, rau tươi trong khẩu phần bổ sung đều có 1 lượng natri nhất định hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu natri của cơ thể trẻ 6 - 12 tháng.
Muối cần được tiêu thụ hàng ngày nhưng chỉ cần một lượng rất ít. Với trẻ 1 – 2 tuổi cơ thể trẻ chỉ cần 2,3g muối/ngày. Trong chế biến bữa ăn bổ sung cho trẻ 1 - 2 tuổi có thể sử dụng những gia vị mặn chứa natri nhưng với số lượng hợp lý (1,5g muối/ngày) vì một phần nhu cầu natri của trẻ đã được cung cấp từ các thực phẩm tự nhiên (10%) và thực phẩm chế biến sẵn (20%).
Khi nấu bột/cháo cho trẻ cha mẹ cần chú ý:
- Khi mẹ nếm bột/cháo của trẻ thấy vừa miệng mẹ có nghĩa là bột/cháo đó là mặn so với trẻ. Vì vậy, mẹ nêm lượng nước mắm vừa phải, ăn thấy nhạt một chút là vừa cho trẻ.
- Có thể cho một lượng phô mai phù hợp vào bát bột/cháo của trẻ thay thế cho nước mắm/muối. Vì phomai cũng có vị mặn. Nên cho phomai vào bát bột của trẻ sau khi cho dầu ăn. Như vậy, bát bột/cháo của trẻ cũng sẽ thơm, ngon, ngậy và không quá nhạt.
- Đối với trẻ từ khi mới ăn dặm cho đến 12 tháng mẹ không nhất thiết phải thêm gia vị mặn vào bột/cháo của trẻ. Từ khi bé được 1 tuổi đến 2 tuổi, mẹ nên nêm nhạt hơn so với cảm nhận vị mặn của người lớn vì bé chỉ cần 2,3g muối/ngày.
Có như vậy trẻ mới tránh được thói quen ăn mặn sau này, phòng ngừa tăng huyết áp và các bệnh tim mạch cho trẻ trong tương lai.