Bỏ sổ hộ khẩu có ảnh hưởng tới tuyển sinh?
Thông tin trên Giáo Dục Thủ Đô, từ đầu năm 2023, theo quy định của Luật Cư trú, toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng trong các giao dịch, thủ tục hành chính. Như vậy, công tác tuyển sinh càng thuận lợi hơn cho phụ huynh, thí sinh và các nhà trường bởi việc chuyển đổi số trong tuyển sinh dần đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia, khi mỗi cá nhân đã có một mã định danh.
Bỏ sổ hộ khẩu giấy nhưng vẫn có đăng ký thường trú nên sẽ không ảnh hưởng đến tuyển sinh đầu cấp, công tác tuyển sinh sẽ có nhiều thuận lợi hơn, thế nhưng đến nay, nhiều phụ huynh học sinh vẫn còn những băn khoăn về việc chứng minh thường trú, về các trường hợp bị xóa hộ khẩu…
“Bỏ hộ khẩu giấy có ảnh hưởng đến quyền lợi tuyển sinh của con em hay không?”, “Đăng ký khi thay đổi/ xóa hộ khẩu như thế nào?”, “Nếu thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp khác với thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin nào?”... là những câu hỏi không ít người băn khoăn. Điều này cho thấy hiện vẫn còn vài khoảng trống trong công tác truyền thông liên quan đến những đổi mới trong chuyển đổi số và tuyển sinh ở các nhà trường, địa phương.
Số hóa công tác tuyển sinh để giảm bớt gánh nặng cho ngành Giáo dục, đồng thời phù hợp với chiến lược số hóa quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Tuyển sinh trực tuyến nói chung và bỏ hộ khẩu giấy trong tuyển sinh nói riêng là những việc mới, vì thế không phải bất cứ phụ huynh nào cũng biết và làm được ngay, nhất là những phụ huynh ở vùng sâu, xa, trình độ dân trí, công nghệ hạn chế.
Đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi rất cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn, hướng dẫn. Thực tế triển khai tuyển sinh trực tuyến của Hà Nội, Tp.HCM, Thanh Hóa, Cần Thơ… năm qua cho thấy mỗi khi phụ huynh thông, mọi hoạt động đổi mới đều thông.
Đẩy mạnh số hóa tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh vẫn lo lắng
Không chỉ đầu tư thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, dạy học, thời gian qua, ngành Giáo dục các địa phương còn đẩy mạnh triển khai số hóa trong công tác tuyển sinh đầu cấp.
Trao đổi với Vietnamnet, ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) cho hay: “Tuyển sinh đầu cấp cho năm mới này sẽ đợi hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Tuy nhiên, hiện nay mỗi học sinh đều có mã định danh nên tôi cho rằng về cơ bản thì tuyển sinh cũng không có quá nhiều thay đổi.
Bởi lẽ, có mã định danh theo hệ thống quản lý dữ liệu thì có thể biết học sinh cư trú ở địa bàn nào để phân theo đúng tuyến. Phụ huynh cứ yên tâm, sẽ có hướng dẫn cụ thể để thực hiện”.
Bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cũng cho biết, bỏ sổ hộ khẩu sẽ không có khó khăn gì trong tuyển sinh đầu cấp nên phụ huynh có thể yên tâm.
“Thông thường, trước mùa tuyển sinh Sở GD&ĐT sẽ ra văn bản hướng dẫn chi tiết và thực tế trong những năm qua, địa bàn cũng không gặp khó khăn gì và tôi tin năm nay cũng thế”, bà Hương nói .
Chia sẻ với Vietnamnet xoay quanh vấn đề này, chị Nguyễn Thu Thủy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là phụ huynh có con đang học lớp 5 và tới đây sẽ lên lớp 6,băn khoăn: “Khi sổ hộ khẩu không còn giá trị thì căn cứ vào đâu để phụ huynh biết được con mình sẽ được vào học lớp 6 và học trường nào trên địa bàn quận. Trong khi quy định tuyển sinh đầu cấp những năm trước, tôi thấy trong thành phần hồ sơ yêu cầu nộp bản sao sổ hộ khẩu hợp lệ. Không biết năm nay còn yêu cầu này nữa hay không? Và nếu không thì thay sổ hộ khẩu bằng giấy tờ nào. Tôi mong sớm có thông tin cụ thể để phụ huynh có thể nắm được”.
Tương tự, anh Lê Phi Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) băn khoăn: “Con tôi chuẩn bị sẽ vào lớp 1, trong khi các bậc học như mầm non, tiểu học các con chưa đủ tuổi để làm căn cước công dân. Vì vậy, khi làm thủ tục nhập học sẽ cần đến các loại giấy tờ nào để có thể phân học sinh đúng tuyến. Rồi bỏ sổ hộ khẩu và tạm trú, các nhà trường sẽ làm thủ tục cho các con đi học như thế nào, tôi lo nhất là phụ huynh có phải vất vả hơn vì những loại giấy tờ khác không... để cho con đi học đúng tuyến”.
Trao đổi với báo Dân Việt, chị Đặng Thị Dưng trú tại Tp.Thủ Đức cho biết, năm học 2022 - 2023 vừa rồi, con trai đầu của chị vào lớp 1. Trước đó, gia đình chị Dưng được UBND phường thông báo chuẩn bị sổ hộ khẩu hoặc tạm trú bản photo kèm theo giấy khai sinh của cháu cùng với số điện thoại liên lạc sau đó về tổ dân phố hoặc lên trực tiếp phường.
Trong khi đó, chị Trần Thị Tuyết trú tại quận Gò Vấp băn khoăn: “Có con trai sắp vào lớp 6 nên khi tham khảo quy định tuyển sinh đầu cấp những năm trước, tôi thấy trong thành phần hồ sơ yêu cầu nộp bản sao sổ hộ khẩu hợp lệ. Không biết sắp tới không còn sổ hộ khẩu nữa thì thủ tục nhập học sẽ như thế nào. Khi nào thì phụ huynh mới nhận được hướng dẫn cụ thể”.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, tầm khoảng 1 tháng chị nhận được tin nhắn báo về điện thoại thông báo đến trường làm thủ tục. Khi tiếp nhận hồ sơ nhập học, chị mang theo sổ tạm trú để đối chiếu, bởi nếu khác với thông tin đã đăng ký xét tuyển thì sẽ bị loại khỏi danh sách…
Theo chia sẻ của ông Lưu Hồng Uyên, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 6, sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú chỉ là hình thức quản lý bằng giấy tờ và khi Luật Cư trú có hiệu lực thì chuyển sang hình thức quản lý bằng số hóa. Điều này đồng nghĩa mọi thông tin cư trú và quan hệ trong hộ gia đình đều cập nhật trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia.
Chính vì vậy, ông Uyên khẳng định, việc sổ hộ khẩu không còn giá trị sử dụng không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh, quy định phân tuyến học sinh. Cơ bản vẫn là học sinh cư trú ở đâu thì học tại trường đóng tại nơi cư trú hoặc trường ở địa bàn lân cận.
“Hằng năm, UBND các phường sẽ thống kê danh sách học sinh trong độ tuổi để ban tuyển sinh quận làm căn cứ phân bổ chỉ tiêu cụ thể, lập danh sách học sinh vào từng trường. Phụ huynh không nên lo lắng, việc bỏ sổ hộ khẩu giúp quy trình tuyển sinh giảm bớt những thủ tục có tính hành chính và sẽ không ảnh hưởng đến việc học của con em mình”, ông Uyên khẳng định.